MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ SỰ ĐÊ MÊ TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ
Tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung vẫn không ngừng cuốn hút tôi tiếp tục đọc và cảm nhận. Trong quảng đời yêu thích thơ ca của tôi, có lẽ chỉ có DẠ KHÚC là một tập thơ đầu tiên đã có được một sự lôi cuốn, hấp dẫn tôi đến như vậy; càng đọc tôi càng cảm thấy nhà thơ Lê Văn Trung dường như là sự tái sinh, hồi sinh của thi nhân Hàn Mặc Tử, một nhà HUYỀN MÔN rất lớn, rất vĩ đại của tôn giáo NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT, mà tôi vô cùng yêu thích, và vô cùng ngưỡng mộ. Chính những bài thơ của LVT, đã làm cho tôi quay lại tìm kiếm thơ & những bài viết về thơ của Hàn Mặc Tử để đọc đi, đọc lại thêm nhiều lần nữa, và mỗi lần đọc lại như thế, dường như tôi lại cảm nhận được những điều gì đó, hết sức mới lạ về thơ của HMT, mà trước đây mình cũng đọc nhưng không cảm nhận được những điều HUYỀN NHIỆM trong thơ HÀN. Nhận thấy một điều thật bình dị của cuộc sống đó là: Cuộc sống không phải là vấn đề của triết học mà là một sự huyền nhiệm.
Nói đến HMT, thì ai cũng biết về số phận vô cùng nghiệt ngã của ông, cho nên khi mới tiếp cận với thơ của ông, đã từng có một số người mạt sát HMT nhiều lắm. Có người bảo: «Hàn Mặc Tử? Thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm». Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: « Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!» Thậm chí, ngay cả nhà thơ Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ cũng nghĩ đến HMT trong khi ông đặt bút viết lên đoạn văn sau đây: «Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ của những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! – Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống».
Hiện nay có một loại hình TRỊ LIỆU rất có ý nghĩa, đó là trị liệu bằng nghệ thuật. Nó có ý nghĩa và nó giải quyết được vấn đề, đặc biệt đối với những người bị bệnh về mặt tinh thần. Người bệnh được cung cấp vải bạc, màu và cọ vẽ để vẽ bất cứ thứ gì họ thích. Dĩ nhiên bất thứ gì anh ta vẽ ra cũng sẽ điên rồ, mất trí. Nhưng sau đó bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy anh ta bắt đầu trở nên tỉnh táo. Vẽ như vậy có tác dụng thanh tẩy như khi ta nôn mửa. Hệ thần kinh của anh ta đã nôn mửa sự điên rồ ra bên ngoài. Chẳng hạn, những bức họa của Picasso có thể giúp cho ông ta tránh khỏi cơn điên. Nhưng thật là nguy hiểm khi ngắm chúng; vì bạn nếu chăm chăm vào bãi nôn của người khác, thể nào bạn cũng phát điên…. Chỉ trong vòng 15 phút ngắm tranh của Picasso…. Bạn sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu, choáng váng và buồn nôn. Chuyện gì đã xảy ra? vì đó là thứ người khác đã nôn ra! Nó có ích cho ông ấy, tốt cho ông ấy nhưng lại không tốt cho người khác.
Nhưng với những tác phẩm thơ của HÀN MẶC TỬ lại khác, bạn có thể đọc đi, đọc lại nhiều lần trong một giờ. Càng đọc, bạn càng cảm thấy thanh bình & tĩnh lặng. Thi nhân họ HÀN này đã gửi gắm vào tác phẩm của mình một điều gì đó đến từ cái chưa biết, bạn có thể gọi đó là những giấc mơ điên rồ của con người ông. Nhưng với tôi, đó không phải là sự điên rồ mà ông ấy đã nôn ra thông qua thi ca. Đó không phải là tác phẩm của sự bệnh hoạn, điên loạn hay sự cô đơn tuyệt vọng của con người ông. Và ông cũng không hề muốn khỏi bệnh thông qua chúng. Thực tế là hoàn toàn ngược lại: Ông ấy đang «thai nghén» chứ không hề bệnh hoạn, hay cô đơn tuyệt vọng gì cả. Ông «thai nghén» với Thượng Đế. Có điều gì đó bắt rễ từ trong chính ông và ông muốn chia sẻ nó với mọi người qua những bài thơ đó. Đó chính là sự đơm hoa kết trái, là sự viên mãn. Ông đã sống một cách sáng tạo, đã yêu cuộc đời của mình một cách hết sức sáng tạo. Ông đã cho phép cuộc đời bước vào nơi thiêng liêng sâu thẳm nhất bên trong ông và ở đó, ông đã thai nghén với đời, với Thượng đế. Và một khi đã thai nghén thì ông sẽ cho ra đời bài thơ thật sự đẹp, một vẻ đẹp lung linh, huyền nhiệm.
Picasso đã nôn mửa, còn Hàn Mặc Tử thì SINH CHO ĐỜI, giữa hai khái niệm này có sự khác biệt rất lớn. Sinh ra một đứa trẻ hoàn toàn khác với việc nôn ra một cái gì đó. Giống như Beethoven đã sinh ra cho đời một giá trị lớn lao cho con người. Âm nhạc của ông đã giúp biến đổi tâm hồn của bạn. Đưa bạn đến với một thế giới khác. Ông cho bạn cái nhìn thoáng qua về một bến bờ khác. Thì thơ ca của HMT cũng vậy, đã thổi một luồng gió mới vào cái đang tồn tại, nó đã tìm được cách để đưa cái chưa biết hòa vào cái đã biết, nó thực sự đã mở được lối đi để đưa bầu trời đến với trái đất & ngược lại đưa trái đất lên với bầu trời.
Chẳng hạn, chúng ta hay đọc một đoạn bình luận sau đây của TS Chu Văn Sơn, về một câu thơ trong bài MÙA XUÂN CHÍN, như sau:
«Hãy xét kỹ một câu thơ:
SÓNG CỎ XANH TƯƠI GỢN TỚI TRỜI.
Có thể thấy rõ khuynh hướng của Hàn Mặc Tử. Nhiều người cứ mặc nhiên coi rằng nội dung của nó là giống với câu:
CỎ NON XANH TẬN CHÂN TRỜI của Nguyễn Du.
Không phải. Quả là không thể chối bỏ ảnh hưởng của câu KIỀU này đối với Hàn thi sĩ. Nhưng cần thấy rằng cái mà Tố Như định thể hiện là SẮC cỏ non xanh (nghĩa là ngoại hình của cỏ) trải ra chân trời (bể rộng) còn cái mà Hàn Mặc Tử nhắm tới lại là SÓNG cỏ (nghĩa là sự rung động của cỏ) đang gợn mãi lên đến tận vòm trời (chiều cao). Đây không nói chuyện hơn kém, mà chỉ sự nhận diện sự khác nhau. Trong tương quan ấy, nếu SẮC nghiêng về cái hữu hình, thì SÓNG nghiêng về cái vô hình: SẮC là hiện thân của XUÂN CẢNH, còn SÓNG là hóa thân của XUÂN TÌNH. Rõ ràng Hàn Mặc Tử muốn thông qua SÓNG CỎ thuộc về hình tướng của tạo vật để nắm bắt cái xuân chín về chân tâm của tạo vật» – Hàn Mặc tử còn nói đến sóng áo, sóng trăng, sóng cành, sóng lá…. Đều là sự hiển lộ ra bên ngoài của tình ý bên trong.
TA ĐI BẮT NẮNG NGỪNG, NẮNG NEO, NẮNG CHẢY
TRÊN SÓNG CÀNH, SÓNG LÁ CÓ GÌ MÁ ĐỎ HÂY HÂY
TA RÌNH NGHE NIỀM Ý BÂNG KHUÂNG TRONG GIÓ LẢNG
VỚI LÀ HƠI THỞ NỒNG NÀN CỦA Ả THƠ NGÂY
- Hết trích.
Tất cả chúng ta đều là những con sóng vĩ đại của đại dương tồn tại. Có thể chúng ta đã quên mất điều đó, nhưng đại dương không bao giờ quên. Có thể chúng ta lãng quên, đến mức không có khái niệm gì về đại dương nữa nhưng chúng ta vẫn đang sống trong lòng đại dương. Không có sóng, đại dương vẫn tồn tại; nhưng sóng không thể tồn tại mà không có đại dương. Con sóng chẳng là gì nếu không thuộc về đại dương, nó là một tiến trình chứ không phải là một thực thể. Con sóng chính là niềm vui lan tỏa của đại dương, cũng như Thượng đế đã tạo ra con người đã tạo ra con người cho trái đất, cho sự tồn tại. Con sóng là hình tượng Đại dương tìm đến Đại dương, chỉ để vui đùa nhưng qua đó có sự truyền giao năng lượng cực kỳ mạnh mẽ.
Phải chăng đó chính là biểu hiện của sự giác ngộ của Hàn Mặc Tử về CÁI TÔI ĐÍCH THỰC, BẢN THỂ NGUYÊN THUỶ của ông. Trong thực tế, hầu hết mọi người chúng ta chưa ai từng biết đến cái tôi đích thực là gì. Nó luôn huyền bí, không thể diễn tả hay định nghĩa được. Cái tôi đích thực bao la đến mức bạn không thể định nghĩa & huyền bí đến mức bạn không thể xuyên thấu tận cốt lõi của nó. Cái tôi đích thực là cái tôi của Toàn thể, điều mà trí tuệ con người không thể nào chiêm nghiệm hoặc hiểu biết thấu suốt được.
Chính nhờ vào sự giác ngộ cái tôi đích thực này mà THƠ của Hàn thi sĩ đã xuất hiện LINH HỒN rất nhiều lần (Hãy nhập hồn em; Hồn là ai; Biển hồn ta; Trút linh hồn; Hồn lìa khỏi xác; Siêu thoát…). Linh hồn chỉ xuất hiện trong bài thơ khi nhà thơ mất hút trong tác phẩm của mình. Khi người thi sĩ làm thơ với tâm thế mình không còn hiện diện nữa. Một thế lực ẩn danh nào đó đã làm thay anh ta và anh ta chỉ biết mình đã ĐƯỢC chiếm ngự bởi một điều gì đó. Chính tạo hóa đã mượn đôi tay, thể xác anh ta để làm. Anh ta trở thành công cụ. Trong nghệ thuật đích thực, bản thân người nghệ sĩ đã biến mất, do vậy mà không có chỗ cho cái Tôi, cái bản ngã. Theo đó nghệ thuật trở thành tôn giáo và người nghệ sĩ trở thành một nhà huyền môn. Hàn Mặc Tử là một nhà HUYỀN MÔN hoàn toàn chìm đắm trong các tác phẩm THƠ của mình. Con người của ông hoàn toàn hóa thân vào ngôn từ, vào nhịp điệu của bài thơ. Con người của ông như được sống trong một thế giới khác hẳn, tuân theo những luật lệ khác hẳn.
Có một định luật mà chẳng sớm thì muộn khoa học cũng sẽ khám phá ra. Đó chính là định luật của sự ĐÊ MÊ. Cũng như ba trăm năm trước mọi người còn chưa biết đến định luật vạn vật hấp dẫn thì định luật này vẫn tồn tại, bởi vì một định luật không cần phải được biết đến mới có thể tồn tại trong cuộc sống. Định luật đó lúc nào cũng tồn tại và không liên quan gì đến Newton hay quả táo rơi. Trước lúc Newton ra đời thì táo vẫn rụng đấy thôi! chẳng phải nhờ Newton phát hiện ra định luật này mà táo mới bắt đầu rụng. Định luật đã có từ trước & Newton chỉ là người phát hiện ra nó mà thôi.
Tương tự như thế, một định luật khác cũng đã và đang tồn tại, định luật của SỰ ĐÊ MÊ. Nếu như lực hấp dẫn kéo vật xuống đất thì lực của SỰ ĐÊ MÊ sẽ nâng tất cả lên. Trong thiền yoga, người ta gọi đó là sự bay bổng, xuất thần hay thăng hoa. Trong trạng thái ngây ngất trước những điều thiêng liêng, trong trạng thái vô ngã, trao gửi hoàn toàn, định luật này bắt đầu vận hành.
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trong nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Dòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường ĐÊ MÊ.
Tôi không muốn gặp người tôi yêu
Có lẽ vì tôi mắc cở nhiều
Sắc đẹp nõn nà hay quyến luyến
Làm tôi HOA MẮT nói không đều
Là sợi đường tơ dịu quá trăng
Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng
Cả và thế giới như không có
Một vẻ yêu là một vẻ tân.
Đã có khi nào cô ước mơ
Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ….
Bằng đêm hôm ấy êm như rót
Lời mật vào tai NGỌT SỮNG SỜ!
Giây phút, ôi chao! NGUỒN CỰC LẠC,
Tình tôi nghen hết thú vô biên
Ai cho châu báu cho thinh sắc
Miệng lưỡi khô khan hết cả thèm.
(GHEN)
Thơ em cũng giống như lòng em vậy,
Là nghĩa thơm tho như ánh trắng
Mềm mại như lời tơ liễu rủ,
Âm thầm trong áng gió băn khoăn.
Anh đã ngâm và đã thuộc làu
Cả người rung động cả thương đau
Bởi vì MÊ MẨN vì khoan khoái,
(LƯU LUYẾN)
Người đi, một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng DẠI KHỜ.
Trời từ bi cảm động ứa sương mờ,
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
Trăng CHOÁNG VÁNG với hoa tàn cùng ngả
Bây giờ đây quấn quýt, hiện bây giờ.
Chỉ biết có đôi ta là đang sống,
Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng;
Cố làm lơ không biết đến thời gian,
Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn,
Đến những tình duyên chung quanh thất vọng;
………
Lúc ấy sóng triều rền rĩ chưa bưa,
Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết
Cứ SẢNG SỐT, TÊ MÊ VÀ RŨ LIỆT,
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian,
Cả thời gian, từ tạo thiên lập địa,
Đều trộn trạo, điều hoà và xí xoá
Thành hư không thành tình ái đôi ta….
(ĐÔI TA)
………………..
Rất nhiều và rất nhiều sự ĐÊ MÊ đã diễn ra trong thơ của Hàn Mặc Tử, mà tôi và các bạn đọc thơ Hàn, không thể kể hết ra được. Có một điều thật kỳ lạ đó là: Tất cả những sự ĐÊ MÊ đó của Hàn thi sĩ, thực sự nó không có gì liên quan với tình dục. Nó không đến từ bất kỳ quan hệ tình dục nào của Hàn với một người phụ nữ nào cả, nó không đến từ người khác, nó đến từ cốt lõi bên trong nhất, trong bản thể của ông, và Hàn đã có thể giác ngộ được về cái cốt lõi đó, ông đã đạt được đến trạng thái cực khoái lạc thông qua cơ thể PHÚC LẠC của chính mình, sự yêu thương, đã trở thành một trong những THIỀN ĐỊNH lớn nhất của con người ông. Phải chăng đó là một kiểu tình dục mang giá trị tinh thần, không liên quan gì đến thể xác. Nó xảy ra từ sự sự duyên dáng, từ sự tĩnh lặng, từ nhịp điệu; nó bắt nguồn từ chiều sâu tâm hồn của ông, mà không phải từ thân thể của ông. Tình yêu của Hàn chứa đựng sự tinh tế hết sức vi diệu, nó không phải là vẻ bề ngoài nông cạn. Đó không phải là sự thích thú bình thường của hoạt động tình dục, mà nó chính là THIỀN, là CẦU NGUYỆN. Khi đó con người ông biến mất và thần thánh được sinh ra. Đó là loại tình yêu tinh thần. Tình yêu đó được biết đến như là sự cầu nguyện. Hàn Mặc Tử có thể đã không tìm được người tình ở trong cõi Ta bà này, nhưng ông đã tìm được những người tình linh thiêng trong bản thể của chính mình. Và tâm hồn ông đã là Phật, là Chúa, là Thượng đế.… cho nên khi nó chạm vào bất cứ một thứ gì thì thứ đó sẽ biến thành KIM CƯƠNG. Chẳng hạn, khi chạm đến đồi núi thì ông viết:
Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
Đầy mình lốm đốm những hào quang.
Khi chạm đến ánh trăng thì ông có câu:
Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ra tới nguyệt thiềm
Ta ở cõi cao nhìn trở xuống
LÂNG LÂNG mây khói quyện trăng đêm.
Và có rất, rất nhiều những câu thơ khác kiểu như vậy trong thơ Hàn Mặc Tử đã làm cho người đọc chúng ta hết sức ngỡ ngàng về thiên tài của ông, khiến cho ta bất chợt hiểu được thế nào là SỰ SIÊU THOÁT của Hàn thi sĩ, mà rất nhiều người khoác áo tu hành chưa chắc đã đạt được đến sự siêu thoát ngay khi đang còn sống, như ông.
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực,
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao.
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi dường bao!...
Ai tới đó chẳng MÊ MAN THẦN TRÍ
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động lớp hào quang.
……………
Trời bát ngát không cần phô triết lý.
Thơ lai láng chấp chóa những hàng châu
………
Thương là thương lòng mình giận chưa nư,
Hồn vội thoát ra khỏi BỜ TRÍ TUỆ.
Có thể thấy Hàn Mặc Tử, đã Sống & Yêu một cách hết sức tự nhiên, và vô cùng mãnh liệt, cho nên ông cũng đã đạt đến được sự SIÊU THOÁT, một cách hết ngẫu nhiên – Và sự ngẫu nhiên đó chính là hương thơm của sự VÔ TRÍ. Tâm trí của con người thì luôn luôn lặp lại, lúc nào nó cũng chuyển động theo vòng tròn, tâm trí hoạt động như một cỗ máy… nghĩa là nó có tính MÁY MÓC, bạn đã nuôi dưỡng nó bằng kiến thức và nó cứ nhai đi nhai lại cùng một thứ kiến thức.
Trong khi đó sự VÔ TRÍ là sáng tỏ, thuần khiết & hồn nhiên. Vô trí là cách đích thực để sống, để thấu hiểu và để giải thoát. Còn Trí tuệ là một cái gì đó giả tạo, cái gì đó không thật. Nó chỉ là một phiên bản thay thế cho trí thông minh, và thông minh là một hiện tượng hoàn toàn khác, chẳng liên quan gì đến cái đầu mà chỉ liên quan đến trái tim. Trí tuệ thuộc về cái đầu, trong khi thông minh là trạng thái THỨC GIẤC của trái tim. Khi trái tim bạn thức tỉnh, khi trái tim bạn nhảy múa với lòng biết ơn sâu sắc, khi trái tim bạn hoà nhịp được cùng với tồn tại, thì chính sự hài hoà đó sẽ sản sinh ra sự sáng tạo.
ĐƯỜNG THƠ BAY SÁNG LÁNG NHƯ SAO SA
TRÊN LỤA TRẮNG MƯỜI HAI HÀNG CHỮ NGỌC
THÊU NHƯ THÊU RỒNG PHƯỢNG KẾT TINH HOA.
LÊ VĂN CHUNG
No comments:
Post a Comment