Monday, April 3, 2023

Cảm nhận: Một chút cảm nhận về trạng thái cô độc trong thơ Lê Văn Trung - Lê Văn Chung

 

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TRẠNG THÁI CÔ ĐỘC TRONG THƠ LÊ VĂN TRUNG
 
Trước hết chúng ta cần phân biệt CÔ ĐƠN & CÔ ĐỘC.
Cô đơn là nỗi buồn; còn cô độc không phải là nỗi buồn.
Cô đơn là cảm giác không trọn vẹn. Bạn cần một người và người đó không hiện diện bên bạn. Cô đơn là bóng tối, không có ánh sáng bên trong. Một căn nhà tối, đang chờ đợi ai đó đến thắp lên ánh sáng.

Còn cô độc là cảm giác rằng bạn đã hoàn thiện. Bạn không cần ai khác, chỉ bạn là đủ. Và điều này cũng xảy ra trong tình yêu. Những người yêu nhau trở thành những người cô độc – Thông qua tình yêu, bạn chạm đến nội tâm trọn vẹn của mình. Tình yêu khiến bạn trọn vẹn. Những người đang yêu chia sẻ với nhau, nhưng không phải do nhu cầu, mà đó chính là nguồn năng lượng tuôn trào trong con người của họ. Cô độc có nghĩa là thuần khiết. Cô độc có nghĩa là bạn là chính mình và không phải ai khác. Cô độc có nghĩa là bạn giống như vàng ròng; phải là vàng ròng, không thể là gì khác…là chính bạn. Tình yêu biến bạn cô độc. Sự cô đơn biến mất, và sự cô độc sẽ xuất hiện.

Có hai kiểu tình yêu. Kiểu thứ nhất là tình yêu xảy ra khi bạn cảm thấy cô đơn – Bạn tìm đến người khác như một nhu cầu. Kiểu thứ hai là tình yêu nảy nở khi bạn không thấy cô đơn, mà là cô độc. Trong trường hợp thứ nhất, bạn tìm cách có được điều gì đó, còn trong tình huống thứ hai, bạn tìm cách cho đi điều gì đó. Tình yêu nảy nở từ sự cô độc không phải là tình yêu bình thường. Nó không liên quan đến lòng ham muốn, ngược lại, nó chính là sự biến đổi vĩ đại nhất từ lòng ham muốn sang TÌNH YÊU.

Tình yêu mà tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung đề cập đến, hầu hết là kiểu tình yêu thứ hai – Tình yêu nảy nở từ sự cô độc của thi nhân. Trong đó chúng ta thấy, có rất nhiều bài thơ đã thể hiện sự kết hợp giữa THIỀN ĐỊNH & TÌNH YÊU một cách vô cùng sâu sắc và rất khó nhận biết cho những bạn đọc, không biết đến sự cô độc. Nếu bạn chưa trải nghiệm sự cô độc của mình cũng như vẻ đẹp, quyền năng & sức mạnh to lớn của nó, thì bạn sẽ rất khó khăn trong việc thấu cảm được kiểu tình yêu sinh ra từ sự cô độc của thi sĩ LVT.

Chẳng hạn, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ KHÁT VỌNG, bài thơ thứ 89, trong tập thơ DẠ KHÚC nhé.
 
KHÁT VỌNG
Hồn đã cháy, lửa dâng bùng khát vọng
Ôi thần linh em mầu nhiệm quyền năng
Tôi vắt kiệt giọt máu đời khô cạn
Chảy vào thơ da thịt cũng bừng hương
Ôi tê điếng! Ô rợn ngời! Huyết ngọc
Từng tế bào rung lịm ngất men say
Sầu tuôn chảy nghe hồn thơ bật khóc
Cho ứa trào giấc mộng sớm tàn phai
Em là lửa? Là tro? Là mịt mù ảo vọng!
Là trăm năm? Là thiên cổ? Trùng lai!
Là bão tố? Là trùng trùng biển động?
Hồn tôi đây xin ghì xiết hai tay
Em là gió? Là sương? Ơn thánh sũng
Mà mùa tôi vàng cả giấc mơ vàng
Em là khói? Là mây? Là biển sóng
Mà tình tôi xa khuất mộng thiên đường
Tôi đói khát trong từng cơn say buốt
Em là ai? Mà rượu cháy hồn tôi!
Em là ai? Mà sầu tôi chất ngất!
Lửa tro tàn tôi cháy trọn đời tôi.
 
Bài thơ đã ra đời từ chính TÌNH YÊU và trạng thái THIỀN ĐỊNH của thi nhân, và cho đến bây giờ khi chúng ta đọc đi, đọc lại nó nhiều lần, ta vẫn thấy bài thơ chứa đựng những rung cảm mãnh liệt, dữ dội của nó. Đây không phải là một bài thơ bình thường mà nó chính là một tác phẩm đặc biệt. Nó được tạo ra bởi một nhà thơ đã trải qua rất, rất nhiều sự cô đơn & cô độc trong hành trình sống & sáng tạo hơn 76 năm cuộc đời của mình, với quá nhiều những diễn biến thăng trầm mà cuộc đời này đã dành cho số phận nghiệt ngã của ông.

Dường như mỗi bài thơ trong tập DẠ KHÚC của nhà thơ LVT, đều phản ánh một trạng thái THIỀN ĐỊNH nào đó của tác giả. Với LVT, sáng tạo là trạng thái vô trí, cho phép Thượng Đế hoá thân vào trong ông, và tình yêu sẽ lan toả qua linh hồn ông, rồi điều gì đó sẽ diễn ra. Đó chính là ân phước của con người. Bạn sẽ trở thành một phương tiện trung gian, một công cụ để chuyển tải những gì xuất phát từ Thượng Đế:
 
Hồn đã cháy, lửa dâng bùng khát vọng
Ôi thần linh em mầu nhiệm quyền năng
Tôi vắt kiệt giọt máu đời khô cạn
Chảy vào thơ da thịt cũng bừng hương.
 
Cái khoảnh khắc thi sĩ viết những câu thơ trên, dường như là khoảnh khắc thi nhân đã THIỀN ĐỊNH rất sâu. Ông ta đã chạm đến nguồn năng lượng & chính nhờ sự cảm nhận nguồn năng lượng ấy mà ông đã tạo nên toàn thể hình dáng của người yêu, thông qua 12 câu hỏi: Em là lửa? Là tro? Là trăm năm? Là thiên cổ? Là bão tố? Là trùng trùng biển động? Em là gió? Là sương? Em là khói? Là mây? Là biển sóng? Em là ai? Và 6 câu cảm thán: Ôi tê điếng! Ô rợn ngời! Huyết ngọc. Trùng lai!
 
Mà rượu cháy hồn tôi! Mà sầu chất ngất!
Ôi tê điếng! Ô rợn ngời! Huyết ngọc
Từng tế bào rung lịm ngất men say
Sầu tuôn chảy nghe hồn thơ bật khóc
Cho ứa trào giấc mộng sớm tàn phai
Em là lửa? Là tro? Là mịt mù ảo vọng!
Là trăm năm? Là thiên cổ? Trùng lai!
Là bão tố? Là trùng trùng biển động?
Hồn tôi đây xin ghì xiết hai tay
Em là gió? Là sương? Ơn thánh sũng
Mà mùa tôi vàng cả giấc mơ vàng
Em là khói? Là mây? Là biển sóng?
Mà tình tôi xa khuất mộng thiên đường
Tôi đói khát trong từng cơn say buốt
Em là ai? Mà rượu cháy hồn tôi!
Em là ai? Mà sầu tôi chất ngất!
Lửa tro tàn tôi cháy trọn đời tôi.
 
 
Suốt nhiều thời đại, các thiền nhân đã đi sâu tìm hiểu về các kiểu năng lượng (đặc biệt là kiểu năng lượng tinh thần). Một khi đã nhận biết được những kiểu năng lượng đó, bạn sẽ nhận biết được toàn thể những phẩm chất, hay những tính cách con người. Tất cả đều do năng lượng mà ra. Bạn sẽ biết được quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Thấu hiểu được kiểu năng lượng, bạn sẽ tìm thấy được chìa khoá, hay cái nhân cốt lõi, chi phối mọi thứ xảy đến với mình.

Rất nhiều bài thơ trong tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ LVT, đã làm cho tôi yêu thích, tôi có thể đọc đi, đọc lại nhiều lần trong một giờ. Càng đọc, tôi càng cảm thấy thanh bình & tĩnh lặng. Nhà thơ, Lê Văn Trung đã gửi gắm vào tác phẩm của mình một điều gì đó đến từ cái chưa biết, bạn có thể gọi đó là những giấc mơ điên rồ của con người. Nhưng với tôi, đó không phải là sự điên rồ mà ông ấy đã nôn ra thông qua thi ca. Đó không phải là tác phẩm của sự bệnh hoạn, hay sự cô đơn tuyệt vọng của con người ông. Và ông cũng không hề muốn khỏi bệnh thông qua chúng. Thực tế là hoàn toàn ngược lại: Ông ấy đang «thai nghén» chứ không hề bệnh hoạn, hay cô đơn tuyệt vọng gì cả. Ông « thai nghén » với Thượng Đế. Có điều gì đó bắt rễ từ trong chính ông và ông muốn chia sẻ nó với mọi người qua những bài thơ đó. Chẳng hạn, bài thơ TÌNH XANH – Bài thơ thứ 88 trong tập thơ DẠ KHÚC.
 
TÌNH XANH
(Thơ cho cõi im lặng)
Người về theo bóng mùa thu
Làm rơi từng giọt sương mù trong thơ
Áo vàng hay lụa vàng tơ
Bay cùng tôi triệu giấc mơ hoang đường
Người về hay đoá quỳnh hương
Nở vào tôi, nở trắng vườn chiêm bao
Nghe nghìn xưa gọi nghìn sau
Răng thu hoàng yến đã màu thanh vân
Người về hay mùa thu sang
Lời thu hay tiếng nguyệt cầm đang rơi
Xin ngồi xuống, uống cùng tôi
Chén tình xanh thuở mộng người còn xanh.
 
Bài thơ là một minh chứng cho thấy, kết quả của những sự THAI NGHÉN nói trên.

Đó chính là sự đơm hoa kết trái, là sự viên mãn trong sáng tạo của nhà thơ. Ông đã sống một cách sáng tạo, đã yêu cuộc đời của mình một cách hết sức sáng tạo. Ông đã cho phép cuộc đời bước vào nơi thiêng liêng sâu thẳm nhất bên trong ông và ở đó, ông đã thai nghén với đời, với Thượng đế. Và một khi đã thai nghén thì ông sẽ cho ra đời bài thơ thật sự đẹp, một vẻ đẹp lung linh, huyền bí.
 
NGƯỜI VỀ THEO BÓNG MÙA THU
LÀM RƠI TỪNG GIỌT SƯƠNG MÙ TRONG THƠ 
NGƯỜI VỀ HAY ĐOÁ QUỲNH HƯƠNG
NỞ VÀO TÔI, NỞ TRẮNG VƯỜN CHIÊM BAO 
NGƯỜI VỀ HAY MÙA THU SANG
LỜI THU HAY TIẾNG NGUYỆT CẦM ĐANG RƠI.
 
Người sáng tạo, là người mang cái chưa biết, cái chưa được biểu hiện vào THẾ GIỚI BIỂU HIỆN NÀ, người đó trở thành một ống tre rỗng để cho Thượng đế chuyển tải một điều gì đó vào thế giới. NGƯỜI VỀ là ai về? Người yêu của mình về? Mùa Thu hay chỉ là cái bóng của mùa thu về? Đoá quỳnh hương về? Chén tình xanh về? Hay Thượng Đế về?…Tất cả đều là những cái chưa biết, chưa được biểu hiện trong thế giới biểu hiện này, nhưng khi chúng ta đọc những câu thơ đó, sẽ cảm nhận thấy một giai điệu vô cùng ngọt ngào, êm ái, bao dung của một cõi thiên đường nào đó.
 
NỞ VÀO TÔI, NỞ TRẮNG VƯỜN CHIÊM BAO
 NGHE NGHÌN XƯA GỌI NGHÌN SAU
RĂNG THU HOÀNG YẾN ĐÃ MÀU THANH VÂN 
XIN NGƯỜI NGỒI XUỐNG, UỐNG CÙNG TÔI
CHÉN TÌNH XANH THUỞ MỘNG NGƯỜI CÒN XANH.
 
Với người đọc chúng ta, thì một câu hỏi được đặt ra đó là: Làm thế nào để trở thành một ống tre rỗng như thi sĩ? Nếu tâm trí của bạn còn quá chộn rộn thì bạn không thể nào trở thành ống tre rỗng được. Sự sáng tạo chỉ đến từ cội nguồn Sáng tạo, chứ không đến từ sự mong muốn, ham muốn của bạn, nó không đến từ cái tôi, cái bản ngã của bạn. Nó chỉ đến khi bạn hoàn toàn biến mất, chỉ có sự sáng tạo hiện hữu và Cội nguồn Sáng tạo đang chiếm ngự bạn. Một nhà thơ gạo cội, lão luyện, thật sự Sáng tạo như LVT sẽ hiểu điều đó rất rõ ràng, rằng họ không phải là chủ nhân sáng tạo mà họ chỉ là những công cụ, phương tiện trung gian. Có điều gì đó diễn ra thông qua họ, chứ bản thân họ không phải là người quyết định. Chỉ có một điều chắc chắn là họ đã trải nghiệm sự CÔ ĐỘC đến mức TỈNH THỨC, tỉnh thức nhiều hơn rất nhiều so với một người bình thường như chúng ta. Càng tỉnh thức bao nhiêu thì cái lưới để tóm bắt ý tưởng càng lớn bấy nhiêu và dĩ nhiên là họ càng có thể nắm bắt được nhiều CON CÁ thực tại huyền bí của cuộc sống.

Trong lòng của bạn, và trong lòng của tôi đều có một bài ca cần được cất lên và một vũ điệu cần được thể hiện, thế nhưng vũ điệu đó thì lại rất vô hình còn bài ca ấy thậm chí chúng ta chưa từng nghe thấy bao giờ. Nó nằm rất sâu trong cốt lõi con người của bạn và tôi. Phải chăng KHÁT VỌNG của tất cả mọi người chúng ta là làm thế nào để cho bài ca ấy, điệu vũ ấy được hiển lộ, được đưa lên bề mặt, được biểu hiện vào thế giới biểu hiện này.

Phải chăng, đó mới thực sự là thông điệp, một ý nghĩa sâu sắc nhất mà bài thơ KHÁT VỌNG cũng như của cả tập thơ DẠ KHÚC, muốn gửi gắm cho những người đọc và yêu quý nó như tôi và các bạn.
 
LÊ VĂN CHUNG

No comments:

Post a Comment

Đường cũ người xưa

  Đường Cũ Người Xưa Con đường cũ còn nguyên từng phiến đá Hàng cây xưa vẫn xanh biếc lá giao mùa Nhưng rồi có một người không trở lại Vẫn m...