Friday, April 26, 2024

Ru

 RU
Ngủ đi tôi
Ngủ đi thôi
Đêm sâu hun hút
Đêm dài mênh mang
Thắp chưa tàn một nén nhang
Tôi cầu xin chút bình an cuối cùng
Ngủ đi em
Mộng rất hiền
Ngủ đi
Ngủ suốt tận miền lãng quên
Ngủ đi tôi
Ngủ đi em
Vòng tay Nhật Nguyệt ôm quanh cõi người.
24. 08. 20
 Văn Trung


Thursday, April 11, 2024

Vẫn rạng ngời ý nghĩa của thương đau

 VẪN RẠNG NGỜI Ý NGHĨA CỦA THƯƠNG ĐAU
Niềm khát vọng níu mùa Xuân trở lại
Nụ hồng phai còn sót nhụy hương tàn
Năm mươi năm những cuồng điên giông bão
Mong ơn đời giữ vẹn tấm lòng chung
 
Về tắm gội trong lòng sông dĩ vãng
Mà dòng xưa đã biệt biệt xa mù
Ai biết được giữa đôi bờ quên lãng
Mùa Xuân xanh còn réo gọi thiên thu
 
Niềm khát vọng lăn tròn trong ký ức
Con đường rêu in dấu bước Xuân thì
Còn nhớ chăng hàng cây im bóng mát
Tuổi son hồng ngày tháng bỏ nhau đi
 
Còn nhớ chăng gánh gồng qua khổ nạn
Nỗi đau nào hằng đọng giữa đời nhau
Ai biết được trên con đường giải thoát
Vẫn rạng ngời ý nghĩa của thương đau
  Văn Trung

Thursday, April 4, 2024

Hạnh phúc là hoa của khổ đau - Hẹn về

 
HẠNH PHÚC LÀ HOA CỦA KHỔ ĐAU
Cho tôi trở lại vườn thơ cũ
Hái một chùm bông khế tím chiều
Để nhớ ngày xưa bông khế rụng
Áo người tím cả giấc chiêm bao
Cho tôi trở lại thời thơ dại
Đêm buồn ngồi đếm những vì sao
Đếm mãi mà không tìm ra được
Vì sao định mệnh ở phương nào
Năm mươi năm xa một dòng sông
Con nước tình duyên chảy ngược dòng
Kẻ đứng bên bờ trông vòi vỏi
Lạc nhau từ giấc mộng tương phúng
Cho tôi trở lại
Dù không thể
Rủ sạch nguồn cơn nỗi bể dâu
Lòng tôi tím với màu hoa khế
Hạnh phúc là hoa của khổ đau.
 Văn Trung

HẸN VỀ
Hẹn về vun lại vồng hoa cũ
Chăm mấy giò lan mấy khóm hồng
Hoa ơi mở hết lòng nhung lụa
Gọi thức tình thâm chừng lãng quên
 
Chép tiếp bài thơ còn dang dở
Đã úa vàng trong nỗi đợi chờ
Chờ nắng đầu xuân mưa cuối hạ
Lòng hoài mơ tiếp những cơn mơ
 
Tiếng còi tàu hụ ngoài ga vắng
Như người về gọi giữa khuya sương
Những tưởng chưa quên lời ước hẹn
Năm mươi năm đốt đuốc soi đường
 
Hẹn về nhóm lửa đêm đông quạnh
Rót rượu vào thơ sưởi chút tình
Mai rồi xa hút phương trời lạ
Cũng ấm lòng nhau những nhớ quên.
Lê Văn Trung
10. 07. 24


Ngược xuôi cho hết vòng luân lạc - Nhặt giùm cho hết những buồn vui - Nhớ màu hoa cũ - Niệm khúc - Niệm khúc 2

NGƯỢC XUÔI CHO HẾT VÒNG LUÂN LẠC
Người đi bỏ lại bên thềm cũ
Những lời hò hẹn đã xanh rêu
Đưa tay vuốt nhẹ làn sương bụi
Chợt thấy lòng xưa úa bóng chiều
 
Người đi bỏ lại con đường vắng
Lá rụng vàng phai áo lụa vàng
Con đường hun hút xa vô tận
Cát bụi đau từ mỗi bước chân
 
Có kẻ ngồi buồn bên hiên quán
Rót rượu mà ngâm “Tống Biệt Hành
Người đi bỏ lại lòng sông quạnh
Bọt bèo từ đó cũng lênh đênh
 
Người đành bỏ lại, đành quên lãng
Giấc mộng đời xanh buổi tóc xanh
Ngược xuôi cho hết vòng luân lạc
Tìm nhau nơi cuối bãi đầu ghềnh
Lê văn Trung
04. 3024

NHẶT GIÙM CHO HẾT NHỮNG BUỒN VUI
Anh về gom nhặt lá vàng xưa
Mỗi lá rơi như có hẹn hò
Hẹn đến mùa sau người trở lại
Mỗi lá rơi là một giấc mơ
 
Anh ngồi trò chuyện với trăng khuya
Nhớ áo thu ươm màu dã quỳ
Có dăm chiếc lá rơi trên áo
Và áo người bay như nắng bay
 
Những vầng trăng tròn khuyết đời nhau
Xuân hạ thu đông lá đổi màu
Chiếc lá màu trăng vàng mấy thuở
Rơi từ tiền kiếp đến nghìn sau
 
Từ đó anh về nhặt lá rơi
Như nhặt cơn mơ tạ lỗi người
Xin hãy vì thơ mà trở lại
Nhặt giùm cho hết những buồn vui
Lê Văn Trung
05. 05. 24

NHỚ MÀU HOA CŨ
 
Rất lẻ loi một đóa hoa vàng
Nở muộn bên đường chiều đang sương
Có người chợt nhớ mùa thu trước
Hoa cài lên tóc còn ươm hương
 
Từ đó mùa đi chẳng hẹn hò
Con đường sương phủ trắng như mơ
Có người yêu quá màu hoa cũ
Màu hoa vàng nhuộm từng câu thơ
 
Có người yêu quá màu hoa cũ
Nhớ áo vàng trăng buổi chớm rằm
Nhớ mãi con đường chiều sương trắng
Ai ngờ nhớ suốt cuộc trăm năm
 
Có người yêu quá màu hoa cũ
Gọi nắng đầu thu mưa cuối thu
Chợt thấy lòng xưa vừa hé nụ
Một đóa hoa vàng nở lẻ loi.
 
Lê văn Trung
2024

NIỆM KHÚC
(tưởng nhớ hiền hữu Trần Hoài Thư)
 
Trần Hoài Thư! Trần Hoài Thư!
Rong chơi đi nhé cõi trời văn chương
Áo xưa đã sạch bụi đường
Rừng xưa mây trắng bay cùng hồn thơ
Em xưa cũng biệt sương mờ
Tình xưa trả lại đôi bờ nhân gian
Hoa xưa đôi cánh rụng vàng
Theo anh về giữa mênh mang đất trời
Anh về bỏ lại cuộc chơi
Là quên hết chuyện khóc cười bể dâu
Rủ buông phiền não thương đau
Anh đi là để bước vào vô biên
Đi tìm trong cõi lãng quên
Bỏ trăm năm những chuyện tình nhân gian
Có con chim khóc trên ngàn
Tiếc cho giấc mộng chưa tàn cơn mơ
Chữ trong
Chữ đục
Chữ mở
Tiễn anh mây trắng là thơ cuối ngày
Tôi còn vướng hạt bụi này
Xin như giọt lệ chia bày tiếc thương.
Lê Văn Trung
Quê nhà, 28 tháng Năm, 2024

NIỆM KHÚC 2
(cùng Phạm Văn Nhàn và Phạm Cao Hoàng thương tiếc tiễn người bạn thân quý Trần Hoài Thư)
 
Anh đi bỏ lại bạn bè
Theo cánh chim Yến bay về trời cao
Hình như có một vì sao
Sáng lung linh gửi câu chào tiễn đưa
 
Rừng sâu lũng thấp bây giờ
Ngày anh bỏ lại còn chờ đợi anh
Bồng Sơn, Phù Mỹ, Tam Quan
Gió hiu hắt buổi tan hàng còn ru
 
Những người bạn cũ anh đây
Buồn không níu được bàn tay giã từ
Sóng trào trong những câu thơ
Anh đi dang dở cơn mơ cuối cùng
 
Nặng lòng hai chữ văn chương
Mà đau tận cả máu xương rã rời
Bay theo chim Yến về trời
Câu thơ là nén nhang lời tiễn đưa.
 
Lê Văn Trung
(Quê nhà 2 tháng Sáu, 2024)




Friday, March 1, 2024

Bài ngợi ca - Bài tạ ơn - Bên kia miền im lặng -

 
BÀI NGỢI CA
Câu thơ viết mười năm còn thơm mực
Tóc mùa xanh xin thắm lại hương rằm
Hoa vẫn nở giữa nghìn thu nhan sắc
Tạ ơn NGƯỜI - ĐẤNG - MẦU NHIỆM vô biên
Lê Văn Trung
 
BÀI TẠ ƠN
Xin cảm tạ ơn đất trời độ lượng
Cho tôi còn biết khóc giữa đời vui
Cho tôi còn mỉm cười trong vô vọng
Tạ ơn Người soi sáng cuộc đời tôi
Lê Văn Trung

Bên Kia Miền Im Lặng
Rồi khi nắng tắt ngoài hiên vắng
Ai rót vào ta những nhạt phai
Ta đi cho hết vòng luân lạc
Ta qua cho hết trời thiên tai
Xin gọi nhau về bên cõi hẹn
Một MIỀN IM LẶNG giữa vô biên
Xin gửi thiên thu lời ánh sáng
Soi từng hạt bụi rơi ưu phiền
Ta đi như thế ta là mây
Ta đi như thế ta là gió
Ta đi như lá đã lìa cây
Là đi như hoa tàn hương nhuỵ
Ta đi nhẹ nhàng như khe suối
Ta đi vội vã như thác ghềnh
Ta xuôi về tận trời quên lãng
Ta về BÊN KIA MIỀN LẶNG IM.
Lê văn Trung
13. 09. 24



Saturday, November 18, 2023

Cảm nhận: THƠ LÀ TIẾNG GỌI CỦA VÔ CÙNG - lê văn trung

 
THƠ LÀ TIẾNG GỌI CỦA VÔ CÙNG
                                                     lê văn trung
                                             ***
Ai có thể nhìn thấu đời mình chìm khuất trong từng sợi máu chảy dài qua những dòng sông dâu bể tang thương mất còn sinh tử?

Ai có thể nhìn thấu đời mình lấp lánh trong hạt lệ cầu vồng – sắc màu của hạnh phúc khổ đau?
Phải chăng hỡi thi sĩ bé nhỏ của thiên nhiên vĩ đại, kẻ đã lặng nghe tiếng gọi của vô cùng?

Ai có thể vượt qua vực bờ trăm năm ngắn ngủi mà chưa hề cháy bùng muôn ngàn khát vọng của lửa hiện sinh?
Ai đã bao lần nở đóa thanh xuân để rồi một ngày ngỡ ngàng trước những tàn phai của cơn mê nồng nàn pha men rượu đắng?

Phải chăng thi sĩ nhỏ bé của thiên nhiên vĩ đại - kẻ đã hiến dâng đời mình trọn vẹn để rồi suốt cuộc hành trình sinh tử chỉ lặng nghe tiếng gọi của vô cùng.

Và hỡi những ai đã từng bơi qua dòng sông đời mình mà không nghe sóng vỗ tận bờ xa tâm thức những trôi nổi bập bềnh?

Và hỡi những ai đã từng lắng nghe gió réo tận khu rừng nhân gian mà không nhìn thấy bao nhiêu lá vàng rơi rụng, bao nhiêu sương sớm mây chiều bay qua bay qua bay qua trôi xa trôi xa trôi xa…một màu không-sắc.

Và phải chăng ơi thi sĩ
Kẻ đã tái sinh hằng muôn kiếp
Đang lặng nghe tiếng gọi của vô cùng
Lê Văn Trung - Tháng 10 – 21
 
"Thi sĩ là kẻ mà thịt da, tim óc, hơi thở và giọt máu của mình đã biến thành sóng, thành gió, thành tiếng hót của chim, thành âm thanh của vạn vật, để dâng hiến cho THƠ CA.

Cảm ơn thi sĩ Lê Văn Trung về một bài viết tuyệt vời, có giá trị như một bản tuyên ngôn của THI SĨ" (Le Chung)

Monday, September 11, 2023

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THƠ CHO CÕI IM LẶNG CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG - LÊ VĂN CHUNG

  MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THƠ CHO CÕI IM LẶNG CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG

 
Đọc hai tập thơ của nhà thơ Lê Văn Trung là DẠ KHÚC & THU HOANG ĐƯỜNG, tôi có cảm tưởng rằng: Dường như hầu hết các bài thơ của thi nhân là thơ về một cõi IM LẶNG nào đó. Tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG, gồm có 93 bài thơ, đã được chính tác giả giới thiệu ngay từ trang sách đầu tiên là TRÍCH THƠ CỦA NGÓI, nghĩa là cả tập thơ gồm 93 bài thơ đó đều là thơ của ngói. Sang đến tập thơ DẠ KHÚC, thì mặc dù chỉ có ba bài thơ ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI / TÌNH XANH / NGỒI LẠI CÙNG TÔI / TRĂM MÙA THU YÊU EM, là được tác giả ghi rõ là thơ dành cho cõi im lặng, và một bài thơ duy nhất là bài thơ THAO THIẾT MÙI HƯƠNG – Bài thơ thứ 41 trong tập thơ, là được tác giả ghi là trích thơ của ngói – cũng là thơ dành cho cõi im lặng. Còn lại, 144 bài thơ trong tập thơ cũng đều là thơ cho cõi im lặng (chỉ là không ghi mà thôi), khiến cho những người đọc qua loa đại khái, thì họ nghĩ rằng thơ của LVT, chỉ là những giấc mơ của thi nhân mà thôi.
Sẽ là một sự cống hiến vĩ đại cho thơ ca, nếu bạn tìm thấy một người cũng giống như Lê Văn Trung, thay vì mô tả những giấc mơ của một người chạy trốn khỏi những nanh vuốt của một xã hội CS, ông đã mô tả, phân tích giấc mơ của một con người không chỉ khỏe mạnh về mặt tâm lý mà ông còn là một nhà thơ tràn đầy sức sáng tạo. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được mọi giấc mơ của LVT, không phải là sự ức chế mà là sản phẩm của một Ý THỨC SÁNG TẠO. Giấc mơ của ông không hề bệnh hoạn, ngược lại chúng còn thật sự lành mạnh. Mỗi bài thơ của ông đã cho chúng ta thấy rằng: Toàn bộ sự tiến hoá và ý thức của con người đều phụ thuộc vào những sự mộng mơ kiểu như thế của LVT.

Có hai loại im lặng. Một là: IM LẶNG CỦA TÂM TRÍ, đa số mọi người chúng ta hoặc là bám lấy lời, lấy chữ, hoặc bằng cách nào đó chúng ta bỏ lời, chữ, thì chúng ta lại bắt đầu bám lấy cái đối lập của lời, chữ, mà chúng ta gọi đó là sự im lặng. Nhưng chân lý không ở trong lời, và cũng không ở trong sự im lặng kiểu đó. Chân lý là siêu việt, chân lý là siêu việt trên nhị nguyên. Im lặng như trên là một phần của trò chơi nhị nguyên của tâm trí. Tâm trí không chỉ là lời mà nó còn có cả sự im lặng. Giữa hai lời có một kẽ hở nhỏ nơi tâm trí im lặng. Tâm trí là cả hai – Lời và im lặng đan chéo. Từng lời được theo sau bởi im lặng, và từng im lặng được theo sau bởi lời.
Khi bạn suy nghĩ, một ý nghĩ tới, thế rồi kẽ hở tới, nếu không có kẽ hở thì ý nghĩ này sẽ chờm lên ý nghĩ khác, và sẽ có một sự lẫn lộn rất lớn, vì vậy mà kẽ hở được cần đến để cho các ý nghĩ của con người không bị lộn xộn. Thế rồi ý nghĩ khác lại sẽ tới. Nó cũng giống như khi bạn đứng trên đường quan sát giao thông. Xe này đi qua, thế rồi kẽ hở đi qua! Bạn thường không để ý đến những kẽ hở đó. Xe này đi qua, thế rồi kẽ hở cũng đi qua, và thế rồi xe khác cũng đi qua. Nếu không có kẽ hở, sẽ có va chạm giữa hai xe, sẽ có tai nạn. Kẽ hở bao giờ cũng có đó. Kẽ hở là một phần của giao thông cũng như các xe đang giao thông. Đích xác cùng điều này là hoàn cảnh với tâm trí. LỜI, tiếng ồn, và cái gọi là IM LẶNG, đều là hai phần của TÂM TRÍ.

Nhưng, có một loại im lặng khác không liên quan gì tới tâm trí. Sự im lặng đó không phải là sự thiếu vắng của những tiếng ồn, nó chính là sự hiện diện của cái, mà lý trí của con người không thể biết được – Nó có một phẩm chất khác toàn bộ: KHÔNG PHẢI LÀ THIẾU VẮNG TIẾNG ỒN, nhưng nó là sự hiện diện của TRÁI TIM, sự hiện diện của cái TOÀN THỂ của thực tại, sự hiện diện của Thượng đế. IM LẶNG đó không phải là sự im lặng của cái chết, của nghĩa trang; trái lại im lặng đó là rất sống động, rất rung động, đầy niềm vui, trút phúc lạc ra khắp xung quanh, tràn ngập với tình yêu thương của con người.

Cõi im lặng của thơ LÊ VĂN TRUNG, không phải là cõi im lặng thứ nhất, mà nó chính là cõi im lặng của loại thứ hai nói trên. IM LẶNG có điệu vũ trong nó, im lặng giống như một bài ca nhiều hơn im lặng của nghĩa địa. Im lặng có giai điệu, im lặng có âm nhạc của bầu trời trong nó. Im lặng của THI CA, im lặng mà nói bằng ngôn ngữ của thi ca, không phải là những ngôn từ thông thường của lời nói, nhưng nó lại nói lên tất cả cùng một điều nào đó. Im lặng mà lại có tính sáng tạo rất lớn đối với thơ ca nói riêng và cuộc sống của con người nói chung.

Chẳng hạn, xin mời các bạn hãy đọc bài thơ ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI – Bài thơ thứ 12, trong tập thơ DẠ KHÚC.

ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI
(Thơ cho cõi im lặng)
Tôi sẽ vẽ vào trái tim trời đất
Một màu mây vàng thắm buổi yêu người
Tôi sẽ nạm từng dòng sương lệ ngát
Vào mắt tình xanh biếc tuổi hai mươi.
 
Tôi sẽ khắc vào rêu mềm trên đá
Tên loài hoa Vĩnh Cửu toả hương trầm
Và em sẽ cài hoa lên ngực ấm
Như màu trăng rằm suốt cõi trăm năm.
 
Tôi sẽ trải trên đường về Tuyệt Đích
Thơ hồng như màu máu trái tim hồng
Thơ tôi chảy thành trăm dòng diễm tuyệt
Nương theo chiều mây thắm một dòng sông.
 
Tôi sẽ dệt vào áo tình nhung lụa
Từng sợi tơ vàng thắm tuổi xuân thì
Xin mặc lấy linh hồn tôi trắng xoá
Linh hồn tôi vời vợi giọt sương phai.
(HẾT)

Đọc xong bài thơ này, xin bạn đừng gọi đó là MƠ, đây chính là thực tại. Một thực tại đẹp hơn bất cứ một giấc mơ nào. Một thực tại phiêu diêu hơn, rực rỡ hơn, hân hoan hơn và nhiều âm nhạc, vũ điệu hơn sức tưởng tượng của bạn rất, rất nhiều.
 
Bài thơ đã mô tả được sự GIAO CẢM một cách rất siêu thực mà cũng rất thân mật của con người với sự tồn tại. Toàn thể sự tồn tại trên thế gian là một sự hợp nhất hữu cơ. Chúng ta, người với người, không chỉ nắm tay nhau mà bạn còn đang nắm tay với cả cây cối, với trời đất, với cỏ cây hoa lá, với đất đá, ...Chúng ta không chỉ cùng hít thở mà cả VŨ TRỤ này đang hít thở cùng với nhau. Cả vũ trụ này là một bản tổng hoà. Chỉ có con người là đã quên mất ngôn ngữ của sự hoà hợp. Chính bài thơ, đã nhắc nhở bạn nhớ lại bản tổng hoà đó, nhớ lại ngôn ngữ của sự hoà hợp đó.
 
TÔI SẼ VẼ VÀO TRÁI TIM TRỜI ĐẤT
TÔI SẼ NẠM TỪNG DÒNG SƯƠNG LỆ NGÁT  
TÔI SẼ KHẮC VÀO RÊU MỀM TRÊN ĐÁ
TÔI SẼ TRẢI TRÊN ĐƯỜNG VỀ TUYỆT ĐÍCH  
TÔI SẼ DỆT VÀO ÁO TÌNH NHUNG LỤA
LINH HỒN TÔI VỜI VỢI GIỌT SƯƠNG PHAI…

 
Tất cả những câu thơ đó đã phản ánh một điều rằng, tác giả của chúng đã có thể TĨNH LẶNG đến một mức độ có thể cảm nhận được linh hồn mình không thể nào tách rời khỏi linh hồn của sự tồn tại. Trong trạng thái tĩnh lặng đó, ông ấy đã cảm thấy mình đang hoà nhập cùng với trời đất đến mức có thể sẽ vẽ vào được trái tim trời đất, nạm từng dòng sương lệ ngát, khắc vào rêu mềm trên đá, dệt vào áo tình nhung lụa, và linh hồn của ông ấy vời vợi giọt sương phai…
 
Còn lại đa số chúng ta không thể tưởng tượng ra được những điều đó, bởi vì tâm trí của bạn suy nghĩ, bạn sẽ bị tách rời khỏi mọi người, trong lúc bạn đang nghĩ về điều này thì người khác lại nghĩ về điều nọ. Nhưng nếu cả hai người đều tĩnh lặng, bức tường giữa bạn và họ sẽ biến mất.
 
Hai sự tĩnh lặng không bao giờ là HAI mà phải là MỘT. Sự tồn tại của vũ trụ vốn dĩ đã là một sự tĩnh lặng, sự im lặng là hiện diện của những điều thiêng liêng như, Thượng đế, chân lý, Đạo, hay bất cứ cái tên nào mà bạn thích gọi, sự im lặng có phẩm chất khác toàn bộ với sự im lặng của tâm trí con người. Nó nở hoa, nó nở hoa trong cả nghìn lẻ một đoá hoa. Nó có hương thơm, nó trẻ trung, nó tươi tắn; nó không đờ đẫn và chết. Nó không là sự im lặng của nghĩa địa. Nó là im lặng nơi sự sống đang xảy ra, nhưng xảy ra rất im lặng. Vì vậy, chỉ cần bạn thực sự tĩnh lặng, thực sự im lặng mang phẩm chất, sự hiện diện của cái toàn thể, tràn ngập những giá trị cao quý - như yêu thương, tĩnh lặng, an lạc, hạnh phúc, thành kính…- Sẽ cho bạn cảm nhận về sự NHẤT THỂ. Tất cả chúng ta đều là những hình thức thể hiện khác nhau của một thực tế, những bài hát khác nhau của một ca sĩ, những vũ điệu khác nhau của một vũ công, những bức tranh khác nhau của cùng một hoạ sĩ nào đó.

Còn rất nhiều bài thơ khác nữa trong hai tập thơ nói trên của nhà thơ LVT, đã phản ánh được cái im lặng có âm nhạc của một bầu trời trong nó. Ông ấy có thể đã không ngồi im lặng một chỗ. Bạn có thể ngồi một chỗ, để giữ cho tâm trí của mình im lặng, nhưng tâm trí của bạn vẫn có thể tiếp diễn bên trong, nó thậm chí còn huyên thuyên nhiều hơn bao giờ, vì khi bạn đang nói cho mọi người bạn ném năng lượng ra, bạn liên tục tẩy rửa. Nhưng khi bạn không nói cho bất kỳ ai, thì tâm trí bạn lại liên tục tích luỹ năng lượng, và liên tục chuyển động bên trong một cách ĐIÊN hơn.
 
Chỉ bằng việc ngồi im lặng một chỗ, không cái gì sẽ xảy ra, kể cả bạn muốn làm một bài thơ cho cõi im lặng cũng không thể làm được, nếu bạn không nhận biết được, không cảm nhận được chân lý của một loại im lặng khác nói trên. Cây cối là im lặng, đất đá là im lặng – Nhưng chúng không biết chân lý đó là gì.
 
Vậy nên, rất cần có được một loại im lặng khác với sự im lặng giữa LỜI và phần phủ định của LỜI. Loại im lặng nảy sinh từ việc hiểu thật sâu sắc, cái vô tích sự của LỜI & phần phủ định của LỜI – im lặng. Khi ngôn ngữ và im lặng đều bị bỏ đi, nảy sinh một loại im lặng mới toàn bộ, an bình – nhưng sống động, rung động, đập rộn ràng cùng với sự sống, cùng với sự tồn tại của vũ trụ nhân sinh, thì bạn mới có thể sáng tác được những bài thơ tuyệt vời cho cõi im lặng như nhà thơ Lê Văn Trung, yêu quý của chúng ta.
 
LÊ VĂN CHUNG

Ru

  RU Ngủ đi tôi Ngủ đi thôi Đêm sâu hun hút Đêm dài mênh mang Thắp chưa tàn một nén nhang Tôi cầu xin chút bình an cuối cùng Ngủ đi em Mộng ...