Đường chiều - Áo em mỏng quá hồn thơ tôi - Bỏ lại mùa thu - Giữ dùm tôi em nhé một mùa thu - Tình như tháng sáu
ÁO EM MỎNG QUÁ HỒN THƠ TÔI
Đường chiều - Áo em mỏng quá hồn thơ tôi - Bỏ lại mùa thu - Giữ dùm tôi em nhé một mùa thu - Tình như tháng sáu
ÁO EM MỎNG QUÁ HỒN THƠ TÔI
LÊ VĂN TRUNG - NHỮNG VẦN THƠ "THÀ NHƯ MÂY TRẮNG BAY"
Nguyễn Thị Bích Hậu
Lê Văn Trung qua Kim Duẩn
Một trong những đặc ân của mùa dịch, là cho tôi thời gian nhiều hơn để đọc thơ. Những thi sĩ trên cõi mạng có không nhiều độc giả. Thường một bài thơ post lên chỉ có vài chục người like và vậy thôi. Vì có quá nhiều thứ để người ta quan tâm. Và trong khi lang thang trên mạng, tôi tình cờ tìm ra thơ của thi sĩ Lê Văn Trung, ông khá kín tiếng trong đời sống văn chương mà ta vẫn thấy trên đài hay báo. Nhưng thơ của ông rất hay và bút lực thì đầy sức mạnh. Và tôi đã kết nối để nghe thêm chuyện về ông.
Lê Văn Trung sinh năm 1947 trong một gia đình công chức tại Đà Nẵng, dù ông quê gốc Quảng Nam. Suốt thời ấu thơ, gia đình ông theo người cha di chuyển chỗ ở mỗi khi ông cụ đổi chỗ làm việc. Vì thế ông được sống ở hầu hết các địa phương xứ Quảng. Nhưng tới năm học trung học, gia đình cho Lê Văn Trung được học tại trường trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Ông cho biết: “Khóa của tôi có nhiều nhân tài, tôi cùng học một lớp với bạn Vũ Đức Sao Biển, Vương Trùng Dương…”.
Học xong trung học, ông thi đậu rồi tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn năm 1969 và về Quảng Ngãi dạy học, rồi sau đó viết văn, làm báo.
Lê Văn Trung làm thơ từ rất sớm, khi còn đang học tiểu học. Ông kể: “Khi học tiểu học, thơ của tôi đã được đăng trên những tờ báo nhỏ, ví dụ tờ Tiểu thuyết Thứ Năm và vài tờ khác. Sau đó, tôi tiếp tục gửi thơ đăng báo suốt thời đi học. Nhưng phải tới khi tốt nghiệp đại học, thì thơ của tôi được đăng trên nhiều tờ báo lớn chuyên về văn nghệ, ví như tạp chí Bách Khoa, Văn, Ý Thức, Thời nay, Khởi Hành, Nghệ thuật…
Có thể hình dung những tháng ngày mơ mộng thời tuổi trẻ của Lê Văn Trung qua các câu thơ rất hay sau:
Tuy nhiên, cuộc đời mộng và hoa đó không kéo dài trong đời thực. Là vì như Lê Văn Trung tâm sự “Cơm áo đâu đùa với khách thơ, nhiều khi một người đang cầm cây bút hào hứng với thi ca, nhưng con gọi cha cần có sữa uống, thì cũng phải vì con mà đành dừng lại”.
Sau 1975, Lê Văn Trung về Huế cùng gia đình. Ông có vợ là một cô giáo rất chịu khó và đảm đang, rồi lần lượt có bốn con, hai trai hai gái.
Rồi những biến cố thời cuộc khiến cho ông phải dừng công việc cũ. Xa đô thành Huế, vợ con ông trôi dạt về vùng rừng núi heo hút ở xã Xuân Đông, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Ít năm sau, ông cũng về cùng nơi đó với gia đình, làm rẫy trồng khoai theo diện kinh tế mới. Đó là những năm tháng khó khăn nhất của Lê Văn Trung. Bởi vì ông vốn là bạch diện thư sinh, từ nhỏ sống trong gia đình công chức. Nay lần đầu cầm cây cuốc thật không dễ dàng. Ông kể rằng “Thấy bà con nông dân trồng rẫy, mình cũng trồng rẫy, nhưng họ thu hoạch thì nhiều vì có sức, có kinh nghiệm, mình làm thì có khi thất bát, có khi chỉ thu hoạch được một phần nhỏ”.
May mắn là ông có một người vợ hiền luôn đồng cam cộng khổ cùng ông trong cuộc mưu sinh, các con thì chịu khó ăn học. Và dù sống như nông dân thực thụ vào ban ngày, ban đêm ông vẫn đọc sách và làm thơ, viết văn.
Đó là khoảng thời gian mà như một bạn học của ông là nhà báo Vương Trùng Dương tâm sự: “… Lũ chúng tôi, mỗi đứa rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, và trong tận cùng bi thảm của cuộc đời, có cái mất, cái còn. Albert Schweitzer cho rằng “Bi kịch cuộc đời là những gì chết đi bên trong một người khi anh ta còn sống” thì bi kịch của cuộc đời nhà thơ Lê Văn Trung gởi cho tha nhân qua hàng trăm bài thơ trải dài bốn thập niên. “Lũ chúng ta, lạc loài dăm bẩy đứa. Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, hai câu thơ trong bài Phương Xa của Vũ Hoàng Chương là hình ảnh chúng tôi vào thuở đó”.
Thơ của ông sau những biến cố của đời sống, giờ đây là những vần thơ thấu hiểu nỗi buồn nhân gian sau biết bao mùa ly loạn:
Năm 2006, sau rất nhiều gian nan và khó khăn, Lê Văn Trung cho ấn hành một tập thơ có 62 bài tên là Cát bụi phận người. Tập thơ này do NXB Văn nghệ cấp phép và chỉ in vẻn vẹn có 500 cuốn. Một số lượng rất nhỏ. Vì thơ hồi đó bán đã rất khó, thường chỉ in để dành tặng nhau. Trong khi thi sĩ Lê Văn Trung thì đâu phải người giàu có gì cho cam. Nhưng đây là một tập thơ rất hay, hiện vẫn còn bản pdf trên mạng mà nhiều độc giả có thể đọc.
Ông tiết lộ: “Những bài thơ trong tập này được tôi làm trong một mùa hạn hán rất dữ dội. Khi đó không thể trồng cấy gì, đành ngồi nhà làm thơ”. Năm 2020, ông mới cho in một tập thơ khác tại NXB Hội Nhà văn có tên Biệt khúc. Ngoài ra, còn hai tập thơ in ở Mỹ là Bi Khúc (2010) và Thu hoang đường, cùng NXB Thư Ấn Quán (2019) từ những bài thơ do bạn bè tuyển chọn. Hầu hết các tập này in với số lượng rất nhỏ.
Tất cả chưa thấm vào đâu so với gia tài hơn 600 bài thơ và nhiều truyện ngắn của ông. Tuy nhiên, vì thơ ông hay nên nhiều trang mạng lan truyền thơ-truyện của ông để độc giả thưởng thức.
Lê Văn Trung hiện vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, sống cùng vợ tại vùng quê kinh tế mới ở Đồng Nai. Bốn con của ông đã tốt nghiệp đại học và đi làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc sống an ổn.
Thời gian bảy mươi bốn năm của thi sỹ Lê Văn Trung đủ dài cho những trải nghiệm cuộc đời. Tất cả hiện ra đủ đầy trong hàng trăm bài thơ, viết bằng một thứ tiếng Việt tuyệt vời có từ thời Nguyễn Du, Nguyễn Trãi.
Tôi tin rằng thơ của Lê Văn Trung theo thời gian sẽ càng có nhiều độc giả yêu thích, bởi không chỉ hay mà còn đẹp.
Đọc thơ của ông là để đồng cảm trong một cuộc trở về, với quê hương và nguồn cội:
………………………………………
Chùm thơ Lê Văn Trung
*Hạt bụi
*Thà như mây trắng bay
Cho ta ghé tạm nơi nào đó
Hiên quán ven đường gió hắt hiu
Này cô chủ quán giùm ta với
Lau hộ cho ta lệ của chiều
Thời thế nhiễu nhương anh hùng tận
Tàn phai hương sắc thiếu giai nhân
Thôi hãy vì nhau mà uống cạn
Ly rượu nhân gian đã vỡ tràn
Cho ta ngồi tạm dăm ba phút
Rồi đi như chiếc lá bay vèo
Ta tan vào tận miền quên lãng
Ta mục như đời một kiếp rêu
Cho ta mời tạm vài chung rượu
Rượu cất chưng từ nỗi bể dâu
Xin cùng ta uống cho say khướt
Dù kẻ đầu xanh kẻ bạc đầu
Thôi ta đi, như vô tình ghé
Quên lãng đất trời, quên lãng nhau
Ta như mây trắng chiều phiêu lãng
Ta đi? Nào biết giạt về đâu.
*Không kịp mơ tròn một giấc mơ
RU Ngủ đi tôi Ngủ đi thôi Đêm sâu hun hút Đêm dài mênh mang Thắp chưa tàn một nén nhang Tôi cầu xin chút bình an cuối cùng Ngủ đi em Mộng ...