Friday, April 28, 2023

Cảm nhận: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THẮP LÁ TRONG TẬP THƠ DẠ KHÚC – THƠ CỦA LÊ VĂN TRUNG - Lê Văn Chung

 


MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THẮP LÁ TRONG TẬP THƠ DẠ KHÚC – THƠ CỦA LÊ VĂN TRUNG
 
Có rất nhiều bài thơ trong tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung, mà khi đọc chúng thì tôi nhận thấy sự sáng tạo của thi sĩ xuất hiện khi tâm hồn của ông hài hoà được với tự nhiên, với nhịp điệu của vũ trụ, phải chăng đó chính là nguyên nhân chính làm cho những bài thơ của ông có được thăng hoa trong sự tĩnh lặng của nó. Mỗi khi tâm hồn của con người bạn hòa hợp được với nhịp điệu tự nhiên của vũ trụ, bạn sẽ trở thành nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ hoặc vũ công.
 
Nhà thơ Lê Văn Trung cũng vậy, ông đã hoà nhập được vào thiên nhiên, để cho những rào cản tự biến mất. Tâm hồn của ông dường như trở thành cái cây ngọn cỏ, cơn gió... Bóng dáng của thi sĩ biến mất vào trong những CHIẾC LÁ của cây cối. Đọc tập thơ DẠ KHÚC của nhà thơ Lê Văn Trung, chúng ta sẽ thấy trong 149 bài thơ, thì có tới 38 bài thơ thi nhân nhắc đến CHIẾC LÁ, và hai bài thơ tương đối dài thi sĩ viết về CHIẾC LÁ, đó là bài thơ THẮP LÁ – Bài thơ thứ 44 & bài thơ TÔI – CHIẾC LÁ VÀNG RƠI TỪ MÙA THU TRƯỚC
 
Bài thơ thứ 99 trong tập thơ:
 
Năm mươi năm tôi đếm từng CHIẾC LÁ
Nỗi vàng phai rụng xuống buổi xa người
Khi đứng giữa vòng xoay đời xa lạ
Tôi rẽ phương nào cũng chạm LÁ tình phai.
(TRĂNG KHUYẾT)
 
Tôi còn đây phấn hương người
Thơm như da thịt đất trời vừa thu
Mắt chìm đuối cả câu thơ
Hồn tôi CHIẾC LÁ rụng bờ mi cong
(MÙI HƯƠNG CHIÊM BAO)
 
Là câu chuyện của gió của mưa của vòng tay ảo mộng
Của tóc nhung huyền của mắt sương phai
Của rưng rưng từng ngón nhỏ bàn tay
Cầm CHIẾC LÁ thả bay về xa thẳm.
(CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU)
 
Sáng hôm nay, trời trong, rất trong
Lòng tôi như một dải mây hồng
Bay trong sương nắng, vương trên LÁ
Nhuộm xuống vườn xanh, hoa ngát hương
………..
Hình như mùa đông chưa trở về
Hình như tình thu còn đâu đây
Tôi nghe gió hát lời thơ ngọc
Tôi nghe LÁ reo nghìn âm giai.
(NẮNG)
 
Đôi môi đỏ đã thầm thì mở hé
Gió muôn chiều hương tóc chảy theo sương
Hình như LÁ cũng buông lời thỏ thẻ
Cô là hoa hay là mộng của thiên đường
 
(SẮC HƯƠNG RỪNG)
Bất chợt em về nhan sắc lạ
Con dế giật mình gáy dưới sương
Vì sao nào rụng vui trên LÁ
Cả đất trời như xao xuyến rung.
(MÙA XUÂN EM VỀ)
 
Hồn tôi giọt nắng vàng trên LÁ
Còn nhớ tay người như phím đàn
(VỀ ĐI! DUYÊN TÌNH LÀ TRĂM NĂM)
 
Nghe xao xuyến mùi hương chìm trong LÁ
Lời của chim ngái ngủ gọi như mơ.
Lời của khúc tình xưa về ru rất nhẹ
Lời của nghìn năm ngà ngọc câu thơ.
(NẮNG CHIỀU ĐÔNG)
 
Đôi mắt huyền mơ đêm thần thoại
Mưa vàng theo LÁ LÁ vàng mưa
Ai đem thơ nạm vào trong mắt
Thấp thoáng tình xanh lạnh mấy mùa.
(TẶNG CÔ BÉ NGÀY XƯA CỦA TÔI)
 
Đường hoa, ai lót mùa thu cũ
Để LÁ vàng tôi trải xuống chiều
Để gió hồn tôi tan nhè nhẹ
Lên màu son phấn của tình yêu
(EM VỀ NGÀ NGỌC GIẤC MƠ TÔI)
 
Xin em xanh lại từ đầu
Đừng vàng LÁ úa mà đau nụ hồng
(LỜI CỦA VÔ CÙNG)
 
Nắng trinh nguyên nắng mới tinh
Nắng reo trên LÁ nắng in bóng người
(NẮNG ĐÀ LẠT)
 
Trước hết bạn cần nhận ra sự khác biệt giữa Ý thức (đơn thuần) và bản ngã (ý thức về cái tôi).
 
Bản thân ý thức vốn không chứa đựng ý niệm về cái TÔI nào hết, tức là nó không mang bản ngã. Trong ý thức không hề có sự phân ranh giữa con người với sự tồn tại. Ý thức là nguồn sống bất tận, phong phú, không có rào cản, hay bất kỳ một giới hạn nào; nó với tồn tại là một. Không hề có mâu thuẫn giữa cá nhân và toàn thể. Cái cá nhân hoà mình vào cái tổng thể, và cái tổng thể tuôn chảy vào cái cá nhân. Điều đó cũng giống như việc hít thở vậy: Khi hít vào, cái tổng thể đi vào trong bạn; khi thở ra, bạn đi vào cái tổng thể. Đó chính là sự lưu chuyển và chia sẻ không ngừng. Cái tổng thể không ngừng luân chuyển vào bạn và bạn cũng không ngừng trao cho cái tổng thể. Sự cân bằng đó không bao giờ mất đi. Nhưng với một người mang bản ngã thì lại khác. Anh ta nhận vào nhưng lại không bao giờ cho đi, chỉ biết thu vén cho mình và không chịu chia sẻ với ai. Anh ta không ngừng dựng lên lớp lớp TƯỜNG RÀO quanh mình, trưng lên những tấm biển báo: KHÔNG ĐƯỢC VƯỢT QUA GIỚI HẠN, để chính bản thân anh ta và mọi người khác không ai có thể xâm phạm được. Dần dần anh ta trở thành một nấm mồ, một sinh vật sống mà như đã chết vì cuộc sống thiếu đi sự chia sẻ.
 
CHIẾC LÁ, với nhà thơ LVT, là một biểu tượng của sự sống, mà sự sống được biểu hiện ở mức độ sâu sắc nhất đó là Ý THỨC (thuần khiết, đơn thuần). Chúng ta thấy không hề có sự phân ranh giữa chiếc lá cây với sự tồn tại, nó với tồn tại là một, không hề có sự mâu thuẫn giữa CHIẾC LÁ và cái toàn thể. CHIẾC LÁ hoà mình vào cái tổng thể, và cái tổng thể tuôn chảy vào CHIẾC LÁ. CHIẾC LÁ nhận vào và cho đi một cách hết sức hài hoà, nhịp nhàng. Nó nhận vào mình nước, không khí (CO2)… từ cái tổng thể và nó đã nhả ra oxy, màu xanh mát rượi… cho tổng thể. Cái tổng thể không ngừng luân chuyển vào CHIẾC LÁ và CHIẾC LÁ cũng không ngừng trao cho cái tổng thể. Sự cân bằng đó không bao giờ bị mất đi trong suốt hành trình sinh sống của CHIẾC LÁ.
 
Sau đây xin mời các bạn hãy đọc bài thơ THẮP LÁ – Bài thơ thứ 44 trong tập thơ DẠ KHÚC nhé!
 
THẮP LÁ
Em từ buổi trăng về cuối hạ
Tôi ngỡ vàng chiều đã nhuộm hương thu
Lòng khuê phụ, hồn sương chia mấy ngả
Áo tình xanh chìm mấy bãi sa mù
Con đường cũ, con đường hồng xưa đã
Áo hoàng hôn trắng một góc sân trường
Con đường cũ con đường tình hoa nở
Đã mấy lần hoa rụng dưới mưa sương
Con đường cũ, con đường tình năm cũ
Em qua chiều vời vợi giấc chiêm bao
Tôi cứ ngỡ màu trăng mùa thiếu nữ
Theo nhau về cho vẹn nghĩa thương đau
Em có gọi mùa thu về cuối hạ
Mà mưa tôi chìm phủ một hồn chiều
Nhớ dòng tóc chia hai đường ngôi rẽ
Để tình buồn chia mấy ngả liêu xiêu
Em từ buổi mùa sương hồn phố cũ
Đèn hoàng hôn tôi THẮP LÁ thu vàng
Xin cúi nhặt hồn tôi từng chiếc LÁ
Nằm im lìm như giọt lệ chưa tan.
 
THẮP LÁ là gì  Phải chăng là một ẩn dụ mà nhà thơ muốn thắp lá cho tâm hồn của chính con người, muốn cho tâm hồn của con người được xanh lại, tươi trẻ lại, sau những nhọc nhằn, gian khó mà cuộc đời đầy bão tố đã dành cho mình. Bài thơ bắt đầu từ một kí ức hết sức đau buồn của con người:
 
Em từ buổi trăng về cuối hạ
Tôi ngỡ vàng chiều đã nhuộm hương thu
Lòng khuê phụ, hồn sương chia mấy ngả
Áo tình xanh chìm mấy bãi sa mù
 
Và trong suốt toàn bộ bài thơ, chúng ta đều thấy chỉ có duy nhất một thế giới trầm buồn, đau thương – Đó chính là thế giới của cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ. Bản ngã rất hay phỉnh lừa chúng ta. Nó chỉ nghe những gì nó muốn nghe, nó chỉ hiểu theo cách nó muốn hiểu. Cho nên khi EM TỪ BUỔI THEO TRĂNG VỀ CUỐI HẠ. Cái TÔI – Bản ngã của con người đã làm cho tâm hồn của con người biến thành:
 
VÀNG CHIỀU NHUỘM HƯƠNG THU
LÒNG KHUÊ PHỤ, HỒN SƯƠNG CHIA MẤY NGẢ
ÁO TÌNH XANH CHÌM MẤY BÃI SA MÙ.
 
Con người sống trong cái TÔI – BẢN NGÃ, thường sẽ ẩn mình sau một bức màn vô hình, và bức màn này sẽ làm cho con người luôn luôn sống trong cái thế giới hư ảo (ảo tưởng) – Thế giới của dĩ vãng, của quá khứ:
 
Con đường cũ, con đường hồng xưa đã
Áo hoàng hôn trắng một góc sân trường
Con đường cũ con đường tình hoa nở
Đã mấy lần hoa rụng dưới mưa sương
Con đường cũ, con đường tình năm cũ
Em qua chiều vời vợi giấc chiêm bao
Tôi cứ ngỡ màu trăng mùa thiếu nữ
Theo nhau về cho vẹn nghĩa thương đau
 
Hai khổ thơ, chỉ có tám câu thơ mà cụm từ CON ĐƯỜNG CŨ, được lặp đi, lặp lại đến năm lần, trong đó ba lần là nguyên văn & hai lần có một chút biến thái thành:
 
CON ĐƯỜNG HỒNG XƯA ĐÃ
CON ĐƯỜNG TÌNH NĂM CŨ.
 
Những gì con người còn níu giữ sẽ lưu giữ trong giấc mơ
 
EM QUA CHIỀU VỜI VỢI GIẤC CHIÊM BAO
TÔI CỨ NGỠ MÀU TRĂNG MÙA THIẾU NỮ
THEO NHAU VỀ CHO VẸN NGHĨA THƯƠNG ĐAU.
 
Cái tôi – bản ngã đã suy nghĩ suốt ngày, suốt tháng. Dòng suy nghĩ ấy đã tiêu tốn một nguồn năng lượng rất lớn của con người, nó sẽ làm cho tâm hồn của con người bị CHÌM PHỦ MỘT HỒN CHIỀU, bị NGÃ LIÊU XIÊU…
 
Cho đến khi kết thúc bài thơ tình trạng đó cũng không có gì thay đổi:
 
Em từ buổi mùa sương hồn phố cũ
Đèn hoàng hôn tôi THẮP LÁ thu vàng
Xin cúi nhặt hồn tôi từng chiếc LÁ
Nằm im lìm như giọt lệ chưa tan.
 
Đó chính là sự thật về CÁI TÔI – CÁI BẢN NGÃ.
Vì vậy, người mang ý thức về cái tôi được xem như là đã chết – Đang trong trạng thái u mê. Và chừng nào không còn bản ngã, nghĩa là chừng nào cái tôi nhỏ bé biến mất, bạn sẽ đạt đến cái tôi thực sự, còn được gọi là SIÊU NGÃ.
 
 
THẮP LÁ phải chăng là muốn hướng tới nội tâm của chính mình, để có thể gạt bỏ được cái TÔI, gạt bỏ bản ngã của chính mình. Chừng nào bạn còn mang cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ, bạn vẫn còn nếm mùi thất bại, sự yếu đuối, và bạn sẽ vẫn NẰM IM LÌM NHƯ MỘT GIỌT LỆ CHƯA TAN.
 
Chỉ khi con người ta gạt bỏ được cái TÔI, cái bản ngã nhỏ bé của chính mình, thì nguồn sức mạnh vô hạn sẽ bắt đầu tuôn chảy vào bạn. Chính nhờ vào sự gạt bỏ được bản ngã, mà bạn sẽ trở thành dòng sông cuồn cuộn tuôn trào - Bạn thật sự được sống.
 
Mọi sự sống đều thuộc về Toàn thể. Nếu bạn cố tìm cách sống riêng một mình thì thật là ngu xuẩn. Như vậy chẳng khác nào CHIẾC LÁ trên cây tìm cách sống riêng lẻ; không chỉ có thế, nó còn tìm cách chống lại cái cây, chống lại những CHIẾC LÁ khác, chống lại bộ rễ và nghĩ rằng tất cả đều là kẻ thù của mình. Tất cả chúng ta chỉ là những chiếc lá nhỏ trên cây đời vĩ đại có tên là Thượng đế, Toàn thể, hay bất cứ một tên gọi nào mà bạn thích. Bạn không cần phải chiến đấu. Cách duy nhất để trở về nhà, về với cội nguồn là TRAO GỬI, LÀ DÂNG HIẾN. Cho nên trước bài thơ THẮP LÁ này, bạn đọc chúng ta đã bắt gặp bài thơ DÂNG HIẾN – Bài thơ thứ 14 trong tập thơ như sau:
 
DÂNG HIẾN
Tôi xin mở rộng lòng mình
Như lòng xuân cũng mông mênh đất trời
Tôi xin trải vẹn niềm vui
Trong tim em – trong tim người tôi yêu
Tôi xin XANH LẠI từ đầu
Nhuộm vào thơ phút nhiệm mầu tinh khôi
Tôi và hoa nở rạng ngời
Tôi và hương ướp lụa người áo mây
Tôi xin làm cốc rượu đầy
Cho môi tình ái nồng say ái tình.
 
Chỉ với 5 câu lục bát thôi, chúng ta thấy CÁI RỐN VŨ TRỤ nhỏ bé là cái TÔI – CÁI BẢN NGÃ, không còn nữa. Khi đó con người đã hướng đến trung tâm của sự tồn tại. đột nhiên bạn trở nên vô hạn, không còn bị giam giữ trong cái lồng do bản ngã tạo ra và sức mạnh vô biên bắt đầu tuôn đổ qua bạn. Bạn sẽ trở thành cây sáo để thần Krishna thổi nên giai điệu du dương, bạn sẽ trở thành một kênh thông suốt, không có rào cản nào. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự mà cái gọi là THẮP LÁ hướng đến
 
TÔI XIN XANH LẠI TỪ ĐẦU
NHUỘM VÀO THƠ PHÚT NHIỆM MÀU TINH KHÔI.
 
THẮP LÁ là một thông điệp rất lớn, rất rộng, nên nó không thể chỉ nằm trong phạm vi một bài thơ có tựa đề là THẮP LÁ, mà nó sẽ nằm dải rác trong nhiều bài thơ khác nhau của cả tập thơ. Bài thơ THẮP LÁ trên mới chỉ nói được một chút về thế giới của CÁI TÔI – CÁI BẢN NGÃ nhỏ bé mà thôi, nó chưa thực sự nói được tư tưởng của THẮP LÁ. Các bạn muốn tìm thấy chiều sâu của tư tưởng THẮP LÁ mà thi nhân muốn gửi gắm thì xin mời các bạn hãy tiếp tục đọc những bài thơ khác nữa trong DẠ KHÚC nhé.
 
Bạn sẽ còn bắt gặp những thông điệp của THẮP LÁ trong rất nhiều bài thơ khác trong DẠ KHÚC. Tôi xin tạm dừng bài viết ở đây, xin hẹn với bạn đọc trong một bài cảm nhận về một bài thơ khác của DẠ KHÚC, cũng có sự liên quan đến thông điệp của THẮP LÁ.
 
LÊ VĂN CHUNG

Thursday, April 27, 2023

Cảm nhận: Luân Hoán tặng nhà thơ Lê Văn Trung

  TÁC GIẢ LÊ VĂN TRUNG

 
P 1
THƠ TRONG ĐỜI SỐNG
Luân Hoán tặng nhà thơ Lê Văn Trung
 
mỗi lần gọi Trần Hoài Thư
nhận ra anh ấy gần như khen hoài
một nam thư sinh chân dài
mỗi bước ngàn dặm trong ngoài thi ca
qua giọng nồng nhiệt thật thà
tôi thấy bóng dáng một nhà thi tiên
(dù tôi chưa được có duyên
gặp thần tiên giữa thanh thiên đời thường)
thơ hay, tôi khen: dễ thương
người đẹp, khen lén khiêm nhường: dễ yêu
ngoại trừ đôi lúc cũng liều
quá lời đôi chút, phần nhiều chung chung
chưa quen thân Lê Văn Trung
nhưng thơ anh, đọc sướng hung lâu rồi
(cố tình dùng giọng Quảng tôi
khen anh khỏi sợ vướng lời ba hoa)
anh Sách (1) không ngại nêu ra
lục bát Trung viết thiết tha tuyệt vời
từng câu đựng bóng dáng đời
từ chữ nhân ảnh tình người sánh vai
có thể tôi thuật lại sai
nhưng thơ Trung thật lắm bài tuyệt chiêu
"cuộc đời tình bạn tình yêu"
đọc anh càng muốn sống nhiều năm hơn
và luôn luôn muốn cầu hôn
với nhiều thục nữ tươi non lá cành
tâm hồn người luôn xuân xanh
nhờ hiểu lòng dạ người dành cho thơ
mỗi ngày mời bạn đọc thơ
Lê Văn Trung với cả lô thi tài
vâng, rất nên đọc lai rai
thơ anh chị có tình cài thay hoa
Luân Hoán
12.2017
(1) Trấn Quý Sách, tên thật nhà văn Trần Hoài Thư.
 
                          *
                         * *

 
LÊ VĂN TRUNG & CÁT BỤI PHẬN NGƯỜI
                     Luân Hoán
 
đời đời Cát Bụi Phận Người
sai biệt đôi chút nổi trôi theo dòng
người thong dong kẻ long đong
có vì chênh lệch tấm lòng hoa sen
tin đời khó có thăng bằng
nhân sinh quan bạn, ngọn đèn soi chân
ít ra giúp bạn bình tâm
vay thêm vốn sống cổ nhân tham thiền
luyện lòng tự tại an nhiên
câu thơ thành điệu triền miên ru tình
tình yêu như thể thần linh
hóa giải so sánh bực mình không đâu
Luân Hoán
2.44 PM - 06-11-2015
 
Sách Lê Văn Trung hiện có:
- Cát Bụi Phận Người (Đô Xuân Quảng ký tặng)
- Bi Khúc (Trần Hoài Thư ký tặng)

P 2
ĐỌC THƠ LÊ VĂN TRUNG
 
HOANG VU
Lê Văn Trung
 
Trời không nắng, trời không mưa em ạ
Cứ âm u ray rứt một điều gì
Những người đến, người đi chừng cũng lạ
Không nhìn nhau và chẳng nói năng chi.
Mặt trời chết từ đêm đời giông bão
Mây cũng buồn nằm đọng cuối phương xa
Và tình ơi không vòng tay nương náu
Gió hoang vu thổi bạt giấc mơ nhòa
Hoa chẳng nở, chìm trong cơn mê ngủ
Lá xanh vườn mơ mãi sắc vàng thu
Trời rất lặn, trời rất im em ạ
Không một lời thương nhớ gửi cho nhau
Em đâu đó khuất chìm trong dĩ vãng
Đã vô tình hiu hắt một lời ru
Để câu hát chảy dài theo năm tháng
Cứ trôi xa, biền biệt cõi sa mù
Tôi ngồi đợi, có ai về , gõ cửa
Lòng hoang vu như trời đất hoang vu
Trăm nỗi nhớ chập chùng trăm nỗi nhớ
Cơn mơ tàn dằng dặc nối cơn mơ.
 
NỖI BUỒN
Lê Văn Trung
 
Nỗi buồn tôi rụng bên hoa
Thấy trong hoa giọt lệ nhòa của ai
Hay là lệ của chiều phai
Hay là giọt nắng u hoài tàn rơi
Hay là sương trắng ngậm ngùi
Nạm vào thơ những đầy vơi cuộc tình
Hay là sợi gió tình duyên
Ru hoài nỗi nhớ niềm quên bạc lòng
Nỗi buồn tôi như dòng sông
Chảy qua em, chảy ngập ngừng, về đâu ?
Qua em là những nhịp cầu
Rong rêu triền bãi nông sâu bến bờ
Nỗi buồn tôi như câu thơ
Em cầm thả xuống dòng mưa lệ chiều
Trăm năm thơ cũng úa nhàu
Mãi lênh đênh trôi mãi vào lãng quên.
 
BI CA
Lê Văn Trung
 
1*
Đôi khi anh muốn lột trần truồng đời anh
để tự mình nhìn thấy tận đáy hư không
để tự mình nhìn thấy
một chấm sáng mong manh
để nhận ra
điều không thể nhận ra
nếu còn che đậy
cái vỏ ảo tưởng của kiếp người
bé nhỏ.
2*
Hỡi ơi da thịt của chiều
chút hương sắc cũ còn heo hắt về.
3*
Xa nhau nhỡ một câu chào
mai sau ta biết tìm đâu phương người
chút hương đọng lại bên đời
vàng phai bóng nguyệt tận trời u mê.
4*
Muộn màng trăng goá phụ
lạnh đôi bờ sương đêm
ướt mềm bông nguyệt nở
chảy tràn hồn thanh niên.
5*
Nàng thắp hai giọt lệ trong đêm
tìm kiếm tuổi thanh xuân trườn qua đồi ngực biếc
dòng sữa thơm là ân huệ sau cùng
chảy trong niềm cô đơn
vuốt ve da thịt
tôi
kẻ lữ hành ngang qua nương đồi em
nghe trong gió
một mùi hương
thao thiết.
6*
Lạnh trong sương tiếng dế buồn
thiết tha réo gọi linh hồn cỏ cây
một vì sao lặn trong mây
còn leo lắt chút vàng phai cuối trời
gà eo óc gáy bên đồi
hồn khuya chạm xuống hồn tôi lạnh hàn.
7*
Trên lũng đồi tôi
các em đã ngang qua
nhặt đôi hòn sỏi vụn
với mối tình nồng đượm
với tấm lòng si mê
với đôi lời ngưỡmg vọng

các em đã
lãng quên
lạnh lùng
như chưa bao giờ
dù trong khoảnh khắc
đã ngang qua lũng đồi tôi hiu hắt
mai sau
bên nấm mộ này
các em trở lại
dáng tàn phai trái tim mòn mỏi
có thấy chăng linh hồn tôi đang nở
màu hoa tạ ơn người
rực rỡ.
8*
Đã qua rồi một mùa đông
cành hoa tôi trên sa mạc quạnh hiu
vừa nhú
đừng nhẫn tâm em ơi
hái vội
mặt trời mùa xuân thầm gọi
phía chân trời.
9*
Tình yêu sở hữu nỗi cô đơn
bằng trái tim chim thiên nga
bay về phía hư vô
rực ngời nguồn huỷ diệt.
10*
Anh sẽ thắp một vì sao
phía chân trời mùa đông
rọi sáng trái tim em
tình yêu sẽ bùng cháy
một khoảnh khắc
bất tử.
11*
Nỗi cô đơn đã gỏ vào trái tim nàng
nhịp phiền muộn của khúc nhạc chiều
tôi nở trên bầu ngực em một đoá hoa
xưng tụng con đường hố thẳm
sáng loà.
12*
Vẽ nỗi cô đơn của nàng
bằng máu thịt hiện sinh
đôi mắt của chiều
đôi môi của bình minh
đôi bầu vú của khát vọng
tôi vẽ nỗi cô đơn của nàng
với niềm đam mê của con-thú-người cháy bỏng.
13*
Tôi đã khát khao em như khát khao nỗi cô đơn vĩnh hằng
tôi đã đam mê em như đam mê niềm đớn đau miên viễn
em ở phía vô cùng
tôi tan hoà vô thỉ vô chung
hởi người con gái đã ghé qua cõi đời tôi
như đi trong nguồn vô tận
thắp sáng hạnh phúc tôi
thắp sáng khổ đau tôi
đốt cháy khát khao tôi
đốt cháy đam mê tôi
hởi người con gái đã ghé qua đời tôi
như chiêm bao.
14*
Hồn tôi là bến sông chiều
miên man sóng vỗ buồn neo cuối bờ.
bóng người bãi quạnh hoang sơ
lời trăm năm có bao giờ phôi phai?
15*
Con-thú-người
MẦU NHIỆM sinh ra con-thú -người
trong hang đá rừng sâu trong nguyên sơ mầm sống
đã ăn đã ngủ đã vuốt ve em trần truờng lông lá
đã yêu em tình yêu vô ngã
uống nước suối ăn trái cây rừng
đã yêu em tình yêu trong ngần
đã yêu em tình yêu hoang dã
MẦU NHIỆM sinh ra con- thú-người
vì đâu ăn trái cấm?
 
XIN TRẢI LÒNG TÔI XUỐNG VỚI TÌNH
Lê Văn Trung
 
Năm mươi năm gió lộng phương người
Năm mươi năm mưa ngập dòng tôi
Lòng úa theo mùa trăng tròn khuyết
Tình đau theo ngàn mây bên trời
Năm mươi năm tình muộn lỡ làng
Năm mươi năm tình vỡ chia tan
Tôi trôi theo nổi chìm cơm áo
Người trôi theo đêm khuyết nguyệt tàn
Tôi ném đời mình trong biển sóng
Uống hoài ly rượu đắng thiên tai
Ôm hoài dang dở từng cơn mộng
Chìm giữa nhân gian từng đêm say
Ôi đóa quỳnh xưa vừa ngậm sương
Mà trăng hàm tiếu tỏa hương rằm
Năm mươi năm chập chùng quên lãng
Chuyện tình duyên tàn theo tháng năm
Tôi thấy lòng mình như lá khô
Nằm quạnh hiu dưới cội cây già
Nhớ thương màu nắng vàng trên áo
Nhớ thương màu phấn hồng trên thơ
Tôi thấy tình người như bóng mây
Tôi nhớ tóc chiều phai sương phai
Thơ chìm trong mắt hoàng hôn tím
Thơ còn thơm hương trên bàn tay
Năm mươi năm không thể, không đành
Dẫu lòng chiều nắng đã vàng hanh
Tôi về !? Như buổi về không kịp
Cũng trải lòng tôi xuống với tình.
 
PHỤC SINH THƠ
Lê Văn Trung
 
Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ
Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao
Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
SG, 16 giờ 13.6.17
 
ĐẤT VÀ THƠ HÒA LỆ DÂNG ĐỜI
Lê Văn Trung
 
Không chỉ làm thơ ta còn cày ruộng
Lòng khoan dung như cây cỏ ven bờ
Nghe con dế gáy xa hồn sương mỏng
Và tình em ngũ sắc nở vào thơ
Thương hoa khế tím chiều rơi nỗi nhớ
Thương hàng cau xanh tóc thuở yêu người
Thương con quốc gọi tình mùa mưa lũ
Thương bàn tay vói mộng cuối chân trời
Không chỉ yêu em ta còn yêu đá sỏi
Sớm lên đồi chiều lội suối bình yên
Thương con cá bơi xuôi con còng bò ngược
Thương đời minh, thương cát sỏi không tên
Ta từng buổi vai gầy phơi nắng gắt
Cúi hôn từng cọng cỏ lạnh hơi sương
Xin ôm cả đất trời cả hồn thu biếc
Lá xanh vì nhuộm máu buổi tai ương
Không chỉ yêu em ta còn yêu khe suối
Từ ngàn xa réo gọi những dòng sông
Em xỏa tóc gội đầu hong nắng mới
Và nỗi đau xưa thành sẹo trong hồn
Không chỉ làm thơ ta còn cày ruộng
Đất và thơ hòa lệ máu dâng đời
Xin dâng cả trái tim còn nóng hổi
Thuở tình xanh men rượu ngọt môi người
 
RỒI CÓ MỘT NGÀY
Lê Văn Trung
 
Rồi sẽ có một ngày
Anh đi về phía bờ tây dòng sông đời anh
Anh theo phía mặt trời dẫn lối
Vào trong đêm
Không như những Pharaon đi về phía bờ tây sông Nil
Mang theo khổ đau mang theo hạnh phúc mang theo châu báu mang theo khát vọng mang theo tình yêu mang theo ảo tưởng một đời
Không bao giờ nguôi ngoai
Không bao giờ thỏa nguyện
Rồi sẽ có một ngày anh đi về phía bờ tây dòng sông đời anh
Xin đừng để anh mang theo những điều chưa viên mãn
Đừng để anh mang theo những bóng hình nhòe nhoẹt quỹ ám ma trơi lọc lừa gian dối
Đừng để anh mang theo những dục vọng thấp hèn những mong ước nhỏ nhoi
Của một đời anh lao đao lận đận từng giây từng phút từng giờ từng ngày từng tháng từng năm
Rồi sẽ có một ngày
Anh đi về phía bờ tây dòng sông đời anh
Không mang theo gì
Không tiếc nuối điều chi
Không buồn không vui không hờn không giân
Anh đi theo phía mặt trời dẫn lối
Vào trong đêm
Không còn gì cho người
Không còn gì cho em
Không như những Pharaon
Lúc cuối đời đi về phía bờ tây sông Nil
Còn trói buộc quá nhiều hệ lụy
Anh chỉ là giọt sương
Anh chỉ là gợn mây
Rơi vào phía bờ tây
Rơi về phía bờ tây
Dòng sông đời anh
Rồi sẽ có một ngày
Rồi sẽ có một ngày
 
KHÚC BI CA TÌNH YÊU TỰ DO
Lê Văn Trung
 
Anh mê hoặc đời anh
Bằng những ảo ảnh một tình yêu vĩnh cửu
Anh lừa mị đời anh
Bằng những nguỵ trang một niềm tin tuyệt đối
Các em đã ngang qua cánh đồng đời anh vô tận
Bằng những khát vọng cuồng điên những đam mê cháy bỏng
Như nắng như mưa như bão giông bốn mùa biển động
Anh khao khát chiều xanh một phút tịnh lòng
Anh sợ một ngày ngọn lửa thanh xuân
Sớm tàn phai cuối trời ảo tưởng
Anh buộc chặt đời anh
Những giấc mơ ngày mai không bao giờ tới
Anh vẫn hành hương theo lời réo gọi
Phía chân trời vời vợi những hoàng hôn
Đốm lửa tình yêu như mẩu thiên thạch hàng triệu năm
Vừa rơi vừa cháy rụi
Anh rơi theo chút bụi giữa vô cùng
Các em đã băng qua cánh đồng đời anh
Với tâm hồn những cô gái Di-gan thảo nguyên hoang dã
Các em đã ngang qua không hề ngoái lại
Anh ngàn năm rêu phong ghềnh đá
Nhìn mây bay cuối những phương mù
Anh đói tự do trong cõi ngục tù
Anh khát tình yêu giữa vùng hoang mạc
Ngày ta sinh ra Chúa đã đặt một bàn tay lên trán
Dấu ấn bí tích cứu rỗi
Một đời ta là chuỗi dài sám hối
Anh chạy miệt mài theo bóng thời gian
Cay đắng ngậm ngùi trăm cuộc chia tan
Vẫn nô lệ một tình yêu vĩnh cửu
Vẫn nô lệ một niềm tin tuyệt đối
Anh đuối sức chìm trong vùng biển tối
Vẫn nghe lời réo gọi cõi vô biên
Các em ngang qua cánh đồng đời những hoan lạc những muộn phiền
Vẫn chưa một lần ngoái lại
Hỡi những bóng ma trần gian man dại
Lời gọi mời của tội lỗi bi thương
Là nỗi khổ đau ảo ảnh thiên đường
Là hạnh phúc đắm chìm trong hố thẳm
Anh lừa mị và mê hoặc đời mình
Để nuôi trồng khát vọng
Lời trăm năm kêu đòi sự sống
Rồi một chiều trên mặt đất tang thương
Cánh đồng đời anh nở chùm hoa dại
Đợi các em về
Dù đã vạn lần không hề ngoái lại
Những cô gái Di-gan tự do.
Việt Nam, Mùa đông 2009
 
LÀM SAO CHE KÍN NỖI BUỒN
Lê Văn Trung
 
tặng Uyên Hà – Hoàng Lộc & Ngọc Bích
yêu nhau hoá đá cũng chờ
sao em vội bước sang bờ sông kia
để tôi nhìn buổi đi về
nghe con sáo hót buồn tê cả chiều
đàn ai lửng một câu kiều
buồn mang mang nhớ buồn hiu hiu buồn
cho tình vỗ cánh sang sông
tôi về bến cũ ngồi trông bên trời
lòng như khóm lục bình trôi
từng con nước cuốn xa rồi bờ xưa
quê người sớm nắng chiều mưa
em còn nghe tiếng gió mùa sang đông ?
tôi che cho kín nỗi buồn
làm sao dấu hết long đong phận người
thà như khóm lục bình trôi
nghe con sáo hót ngậm ngùi ngàn năm.

LÊ VĂN TRUNG
                   

Cảm nhận: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ SỰ LẮNG NGHE CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG - Lê Văn Chung

 


MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ SỰ LẮNG NGHE CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG
 
Biết tôi là một người rất yêu thích THƠ CA, cho nên các nhà thơ rất quý mến, mỗi khi họ xuất bản một tập thơ nào đó thì họ đều muốn gửi tặng cho tôi một quyển để làm kỷ niệm. Nhà thơ Lê Văn Trung cũng vậy, hôm 2/3/2023, ông đã gửi tặng cho tôi tập thơ DẠ KHÚC, một tập thơ khá dầy với gần 150 bài thơ dài ngắn khác nhau. Khi mới cầm tập thơ thì cảm thấy hơi ngại, vì nghĩ rằng chẳng biết mình có thời gian để đọc hết tất cả các bài thơ trong DẠ KHÚC hay không. Nhưng một khi đã đọc được một hai bài thơ rồi thì tự nhiên tập thơ như có một phép lạ đã thực sự cuốn hút tôi đọc tiếp, đọc tiếp cho đến hết tất cả 148 bài thơ, và có rất nhiều bài tôi đã đọc đi, đọc lại đến ba, bốn lần. Và đến giờ phút này tôi đã có đến 4 bài viết về sự cảm nhận của tôi về DẠ KHÚC, đăng trên trang Facebook cá nhân của tôi. Thấy tôi, viết nhiều như vậy, có một bạn đọc vốn yêu quý những bài viết của tôi, đã có một chút suy tư Thơ và người làm Thơ đôi khi không trùng khít với nhau:
 
 NGƯỜI MỘT ĐẰNG THƠ MỘT NẺO!
 
Nhưng xin thưa với tất cả các bạn rằng: Mặc dù không làm được cái công việc NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT như các văn nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn luôn luôn là một tín đồ hết sức trung thành với tôn giáo: NGHỆ THUẬT VỊ NGHỆ THUẬT. Theo đó, với tôi, nghệ thuật đã trở thành một thứ tôn giáo & người nghệ sĩ trở thành nhà HUYỀN MÔN.
 
Bạn không cần thiết phải đồng quan điểm với một bông hoa đẹp, bạn không cần phải đồng quan điểm với một bầu trời đầy sao, nhưng bạn vẫn có thể công nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Tôi luôn phân định rạch ròi giữa việc đồng ý, đánh giá đúng THƠ CA của một người với việc đồng ý, đánh giá đúng những quan điểm của tác giả. Theo sự cảm nhận của tôi, nếu bạn không thể phân định sự rạch ròi đó, thì bạn vẫn còn đang sống giữa buổi hồng hoang của tâm thức nhân loại. Khi bạn đọc một bài thơ của một nhà thơ nào đó thì bạn chỉ có thể đồng ý với một từ, một câu, một tứ thơ mà nhà thơ đó đã đưa ra là tuyệt đẹp hay không đẹp (theo sự cảm nhân chủ quan của cá nhân bạn) do đó bạn sẽ đánh giá cao, hay thấp những lời nói của ông ấy thông qua những câu từ đó mà thôi. Bạn không thể đồng ý, và đánh giá được những trải nghiệm của chính bản thân nhà thơ, có chăng bạn chỉ là võ đoán khi đưa ra những lời cảm nhận rất chủ quan của mình về những trải nghiệm nào đó của nhà thơ mà thôi. Bạn có thể yêu mến nhà thơ nào đó, thông qua những câu thơ, bài thơ của ông ấy, nhưng bạn lại chưa được sống như chính nhà thơ ấy đã sống, đã trải nghiệm khi viết lên những câu thơ, bài thơ đó. Cho nên bạn không thể đồng ý hay đánh giá đúng về những quan điểm của ông ấy được. Những người đọc chúng ta chỉ có thể ca ngợi những người đã sáng tác THƠ CA, ca ngợi những người đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, ca ngợi một người, vì ông ấy biết yêu thương. Ca ngợi một người vì nhờ có ông ta mà thế giới thêm tươi đẹp hơn.
 
Đọc những câu thơ của Lê Văn Trung, bạn sẽ nhận thấy nhà thơ dường như là một người rất tinh nhạy, có một khả năng cảm thụ rất cao, ông là một người rất giàu trí tưởng tượng. Ông có thể nhìn thấy sức sống đang căng tràn trong cỏ cây, uống lấy màu xanh sự sống này và thấm hút nó như một miếng bọt biển.
 
Chẳng hạn, các bạn hãy đọc bài thơ ĐƯỜNG CÓ NHIỀU HOA XUYẾN CHI – Bài thơ thứ 99 trong DẠ KHÚC:
 
Trên những con đường có nhiều hoa xuyến chi
Tôi bắt gặp mùa thu phơi sương trắng
Những sớm mai lòng tôi chưa kịp nắng
Và tình em chưa kịp trải lụa vàng
Những đoá hoa xuyến chi rạo rực nở và náo nức toả hương
Hương của đất nghìn năm còn ủ mật
Hương của em thiên thu còn cháy khát
Ái ân người rằm suốt một mùa trăng
Tôi bước đi trên những con đường có nhiều hoa xuyến chi
Hoa dung dị như mối tình mới nở
Hoa hồn nhiên như mối tình bay trong gió
Để lụa là chảy mượt mấy dòng thơ
Hoa nở trắng
Như người về trắng giấc sương mơ
Ôi nhẹ quá, lòng tôi như cánh bướm
Ôi nhẹ quá, đôi cánh tình rất mỏng
Tôi bay cùng hoa trắng một mùa sương.
 
Tôi cũng đã ít nhất đôi ba lần bắt gặp hoa Xuyến Chi rồi, nhưng không thể nào có thể viết được nhưng câu thơ tuyệt diệu, về một loài hoa rất đỗi bình thường (thậm chí còn bị coi là loài hoa dại) - Hoa Xuyến Chi, như nhà thơ LVT. Tôi cảm thấy, ông ấy đã nuốt lấy cả vũ trụ nhân sinh và để cho những gì mà ông đã thấm nhuần được tuôn trào vào trong trí tưởng tượng của mình, biến hoá thành những câu thơ tuyệt vời như thế.
 
 HƯƠNG CỦA ĐẤT NGHÌN NĂM CÒN Ủ MẬT
 HƯƠNG CỦA EM THIÊN THU CÒN CHÁY KHÁT
 ÁI ÂN NGƯỜI RẰM SUỐT MỘT MÙA TRĂNG.
 
Vậy, đâu là bí quyết của thi sĩ? Phải chăng chính là sự LẮNG NGHE?
 
Bạn có thể nghe theo hai cách. Một là cách máy móc: Bạn có hai tai nên bạn có thể nghe, nhưng đó sẽ chỉ là nghe, chứ không phải là lắng nghe. Hai là lắng nghe, bạn có thể nghe một cách ý thức: Toàn bộ ý thức của bạn có đó, nó ở phía sau đôi tai của bạn. Lắng nghe là một trong những bí quết giúp chúng ta đi vào ngôi đến của Thượng đế. Lắng nghe nghĩa là quên đi toàn bộ cái tôi, cái bản ngã của bạn, chỉ như vậy thì bạn mới có thể lắng nghe. Khi bạn chăm chú lắng nghe một ai đó, bạn sẽ quên mất bản thân mình. Nếu bạn vẫn còn quá chú tâm đến bản thân, bạn không thể lắng nghe thật sự mà chỉ giả vờ nghe mà thôi. Có thể bạn gật gù, có thể thỉnh thoảng bạn ừ hữ góp vài tiếng nói tham gia vào câu chuyện của người đang nói, nhưng bạn không thật sự lắng nghe.
 
Nếu một người đang LẮNG NGHE, thì người đó sẽ trở thành một kênh truyền dẫn, một kênh tiếp nhận. Người đó sẽ trở nên âm tính và điềm đạm hơn. Bạn không thể tìm đến với Thượng đế với bộ dạng hùng hổ của một kẻ xâm lăng, chinh phục. Bạn chỉ có thể đến với Người… đúng hơn là Người chỉ có thể đến với bạn khi bạn ở trong trạng thái tiếp nhận, điềm đạm nhất mà thôi.
Nhà thơ LVT là như vậy, với ông chúng ta cảm nhận thấy ở ông một điều kỳ diệu về sự LẮNG NGHE.
 
Chẳng hạn, bài thơ NẮNG CHIỀU ĐÔNG – Bài thơ thứ 19 trong DẠ KHÚC:
 
Nghe xao xuyến lời của chiều gió rối
Lời của mây về đậu giữa hoàng hôn
Lời của nắng vàng phai tà áo mới
Lời của sương như lệ ngát môi nồng
Nghe xao xuyến mùi hương chìm trong lá
Lời của chim ngái ngủ gọi như mơ
Lời của khúc tình xưa về ru rất nhẹ
Lời của nghìn năm ngà ngọc câu thơ
Em đâu đó mà nghe vàng câu hát
Chiều mùa đông trải nhẹ nỗi chờ mong
Em đâu đó mà lòng tôi xanh ngát
Tình trăm năm tha thiết bến Trà Giang
Nghe câu hát mà lòng tôi ươm nắng
Nắng hoàng hôn vời vợi nắng chiều đông
Em đâu đó mà chiều rơi rất lặng
Chiều rơi vàng thương nhớ giữa mênh mông
Tôi ngồi nghe cả đất trời xao xuyến
Bước chân tình xa vắng như chiêm bao
Giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn
Dòng nắng tình ơi chảy mãi về đâu.
 
Đọc bài thơ, các bạn có nhận thấy sự kỳ diệu của sự LẮNG NGHE mà nhà thơ đã mô tả hay không? Với ông lắng nghe đã trở thành một nghệ thuật siêu thực: Khi ông lắng nghe, cái tôi, cái bản ngã của ông dường như biến mất, chỉ còn lại tâm hồn của ông dường như hoà nhịp được với những con sóng nào đó của Đại dương tồn tại, hiện hữu ở đâu đó trong vũ trụ nhân sinh này. Những con sóng đó có thể là: Lời của Gió; của mây; của nắng; của sương; của chim ngái ngủ; của khúc tình xưa; của nghìn năm ngà ngọc câu thơ; của chiều rơi rất lặng; của bước chân tình xa vắng; của giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn và của đất trời xao xuyến…
 
Ở đây, có lẽ chúng ta cũng cảm nhận được một phương cách của sự LẮNG NHE mà nhà thơ đã gửi gắm trong những bài thơ trong DẠ KHÚC, đó là: Bước đầu tiên là sự đón nhận, bởi vì cái tôi, cái bản ngã không thể tồn tại khi bạn đang trong trạng thái đón nhận mà nó chỉ tồn tại khi có sự đối kháng, vướng chấp. Trong trạng thái cảm thụ đầy sự tinh tế này, khả năng tưởng tượng của con người sẽ trở nên cực kỳ mạnh mẽ. Và một khi đã đạt đến trạng thái hoàn toàn đón nhận, thì đến bước thứ hai là bạn hãy tưởng tượng mình chính là những con sóng đó, hãy hoà cùng với những con sóng, hình dung mình (hoặc người yêu của mình là những con sóng đó).
 
Chính sự tưởng tượng đó là một năng lực phi thường, có thể đưa bạn đến gần Thượng đế nhất, mà Thượng đế trong thơ của Lê Văn Trung chính là người yêu trong hiện tại, hoặc trong quá khứ của ông:
 
Em đâu đó mà nghe vàng câu hát
Chiều mùa đông trải nhẹ nỗi chờ mong
Em đâu đó mà lòng tôi xanh ngát
Tình trăm năm tha thiết bến Trà Giang
Nghe câu hát mà lòng tôi ươm nắng
Nắng hoàng hôn vời vợi nắng chiều đông
Em đâu đó mà chiều rơi rất lặng
Chiều rơi vàng thương nhớ giữa mênh mông.
 
Sự việc con người đến gần với Thượng đế nhất (hoặc gần nhất với người mình yêu thương) không xảy trong thực tế nhưng nó lại diễn ra bên trong tâm thức của thi nhân, trong một PHƯƠNG, một CHIỀU hoàn toàn khác – Chiều của THƠ CA, của TƯỞNG TƯỢNG & MƠ MỘNG. Chính nhờ sự LẮNG NGHE những tiếng sóng của một đại dương tồn tại, hiện hữu, nhờ biết đón nhận, mà thi nhân đã mở được cánh cửa cho khả năng tưởng tượng của mình. Trí tưởng tượng của ông ta đã bùng nở như một đoá sen với một nghìn lẻ một cánh.
 
Hai câu thơ cuối:
 
Giọt nắng chiều đông thơm mùi hò hẹn
DÒNG NẮNG TÌNH CHẢY MÃI VỀ ĐÂU.
 
Cảnh tượng đó quá đẹp, thật không dễ gì một thi sĩ trẻ tuổi, ít sự trải nghiệm sự LẮNG NGHE có thể tưởng tượng ra cảnh: Giọt nắng mùa đông lại có mùi thơm của sự hò hẹn & DÒNG NẮNG TÌNH chảy mãi về đâu, trong tâm thức của thi nhân.
Xin cảm ơn và chúc mừng nhà thơ Lê Văn Trung, về những cảnh giới tuyệt diệu này mà ông đã đạt được nhé.
 
LÊ VĂN CHUNG

Ru

  RU Ngủ đi tôi Ngủ đi thôi Đêm sâu hun hút Đêm dài mênh mang Thắp chưa tàn một nén nhang Tôi cầu xin chút bình an cuối cùng Ngủ đi em Mộng ...