Thursday, June 29, 2023

Cảm nhận: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ: MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ của Lê Văn Trung - Lê Văn Chung

  

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ:
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ của Lê Văn Trung.
                                           Lê Văn Chung
 
Trong bài viết: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ THU HOANG ĐƯỜNG – Tập thơ của Lê Văn Trung. Tôi đã viết về những cảm nhận của mình về thơ ca của Lê Văn Trung, xin nhắc lại một lần nữa như sau: Thơ ca là một khoa học theo nghĩa nó chính là sự hiểu biết thuần khiết nhất. Tuy nhiên, nó không phải là một khoa học theo nghĩa Hoá học & Vật lý. Nó không phải là khoa học của bên ngoài, nó chính là khoa học của bên trong. Nó không phải là khoa học về ngoại cảnh, mà nó là khoa học của NỘI TÂM. Đó là khoa học đưa bạn đi xa hơn vào cái chưa biết, thậm chí không thể biết được. Nhiều khi nó là cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất, là một lời kêu gọi và thách thức đối với tất cả những ai có can đảm, gan dạ, trí thông minh, sự nhạy cảm nhất có thể.
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG là gì?
 
Mùa là một khoảng thời gian nào đó của một năm, của một kiếp người, nếu bạn rút gọn lại thì nó là một khoảnh khắc. THU HOANG ĐƯỜNG, là phẩm chất của khoảng thời gian đó. Nó sẽ là hoang đường về mặt khoa học thông thường, về mặt ngoại cảnh, về mặt xã hội của cõi nhân gian. Nhưng, nó sẽ là KHÔNG hoang đường về mặt nội tâm bên trong tâm thức, bên trong bản thể của con người. Mà nó chính là một sự BÍ ẨN, đối với hầu hết mọi người chúng ta, bởi vì nó nằm ngoài cơ thể, ngoài tâm trí của con người, nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài mọi khái niệm của những khoa học xã hội thông thường khác THƠ CA. Mỗi bài thơ trong tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG sẽ là một lời kêu gọi, thách thức tất cả những ai có can đảm, gan dạ, trí thông minh, dám bước vào những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất là quay trở về định cư trong BẢN THỂ ĐÍCH THỰC của mình, cư ngụ trong bản chất của nhận thức cơ bản, cái cốt yếu, cái thuần khiết tự nhiên nhất của con người.

Nhà thơ Lê Văn Trung là một nhà thơ lớn của xứ Quảng, sinh năm 1947 tại Đà Nẵng, Hiện ông đang sống tại Đồng Nai, Việt Nam. Tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn. Dạy học tại Quảng Ngãi và Huế từ 1969 đến 1975. Sau 1975 cuốc đất trồng khoai. Đó là theo những dòng viết trong PHỤ TRANG của tập thơ. Mặc dù, sau 1975 ông có cuốc đất trồng khoai đi chăng nữa thì khi bạn đọc, tiếp xúc với thơ của ông, bạn sẽ cảm nhận được ở trong con người của ông đang sở hữu một trí năng vĩ đại, sự can đảm vĩ đại, tính chính trực vĩ đại, và một trái tim vĩ đại để đi vào bên trong bản thể của chính ông. Ông là một con người thông minh cho nên ông sẵn sàng dấn vào những điều chưa biết. Hiện hữu trong trạng thái của những điều chưa biết, thậm chí không thể biết. Đó chính là trí thông minh của ông.
 
Trí thông minh là nhận thức, và nó không thể tích lũy. Mỗi khoảnh khắc xảy ra đều sẽ biến mất, không để lại dấu vết hiện hữu nào. Chúng ta bước ra khỏi từng khoảnh khắc và trở lại thuần khiết, nguyên sơ, trở lại hồn nhiên như đưa trẻ. Cuộc sống không phải là một bài toán. Nó là thứ không đo lường được, nó là một sự BÍ ẨN, cần được sống, được yêu thương, được trải nghiệm, mà không cần phải đặt bất kỳ câu hỏi nào, chỉ đơn giản là bạn hãy đi sâu vào nó một cách can đảm và không sợ hãi. Đọc thơ của Lê Văn Trung, tôi cảm nhận thấy ông là một người như thế. Chẳng hạn, chúng ta hãy đến với bài thơ MÙA THU HOANG ĐƯỜNG – Bài thơ thứ 20, trong tập thơ cùng tên.
 
MÙA THU HOANG ĐƯỜNG
Hình như mùa thu chưa trở về
Hình như người còn xa rất xa
Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ
Nghìn đời chưa đến một sân ga
Hình như mùa thu chưa trở lại
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa cũ chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sững sờ
Có lẽ hao vàng chưa toả hương
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Thu ơi thu vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
Có lẽ em là thu! Phải không?
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng
Tình chưa hàm tiếu mùa ái ân
Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngỡ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga.
 
Mọi câu hỏi đều ngớ ngẩn, và mọi câu trả lời cũng vậy. Thực tại là một bí ẩn, nó không phải là một câu hỏi để được hỏi. Đó là một bí ẩn để được sống, một bí ẩn cần được trải nghiệm, một bí ẩn để được yêu thương, một bí ẩn để được hoà tan, để được nhấn chìm vào đó. Thực tế sẽ không bao giờ đến với bạn dưới dạng một câu trả lời. Nó chưa bao giờ xảy ra theo cách đó, và nó sẽ không xảy ra theo cách đó, nó không phải là bản chất của sự vật. Thực tế chỉ đến với bạn khi không còn câu trả lời nào nữa; thực tế đến với một trạng thái PHI CHẤT VẤN của nhận biết.
Chính vì thế mà thi nhân đã sử dụng từ HÌNH NHƯ dưới dạng những câu thơ sau:
 
Hình như mùa thu chưa trở về
Hình như người còn xa rất xa
Hình như mùa thu chưa trở lại
Có lẽ hoa vàng chưa toả hương
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Có lẽ em là thu! Phải không?
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng.
..
 
Chúng không phải là những câu hỏi để trả lời, cho nên chúng có một phẩm chất hoàn toàn mới đối với ý thức của con người. Phẩm chất đó chính là sự kỳ diệu của chúng – Những câu TỰ HỎI chính mình. Tự hỏi không phải là việc nghi vấn, nó chính là việc bạn cảm thấy BÍ ẨN bởi sự tồn tại.
 
Đặt câu hỏi là một nỗ lực để làm sáng tỏ sự tồn tại; đó là một nỗ lực không chấp nhận sự bí ẩn của cuộc sống. Khi đó, bạn đã quy mọi bí ẩn xuống thành một câu hỏi. Câu hỏi có nghĩa là sự bí ẩn chỉ là một vấn đề cần giải quyết, và một khi đã được giải quyết thì sẽ không còn sự bí ẩn nào. Sự khác biệt giữa việc TỰ HỎI & nghi vấn là về phẩm chất. Tự hỏi không phải để được trả lời; nó chỉ đơn giản là nói rõ ràng về những điều kỳ diệu của thực tại. Mục đích của nó không phải là để được trả lời, mà nó chỉ đơn giản là đang nói chuyện với chính mình. Nó đang nói lên thành tiếng về những điều kỳ diệu mà mình cảm nhận được, nó đang cố gắng tự mình tìm ra đó là gì – Kỳ quan, bí ẩn…Nó không khao khát một câu trả lời như trong sự nghi vấn.
 
Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ
Nghìn đời chưa đến một sân ga.
 
Tại sao: Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ, mà nghìn đời vẫn chưa thể đến một sân ga?
Bởi vì tâm trí là rào cản, không có gì khác cản trở bạn với sự thật, chỉ là tâm trí của chính bạn.Tâm trí bao quanh bạn giống như một bộ phim, một bộ phim cứ lặp đi lặp lại, và bạn vẫn mải mê với nó, bị cuốn hút bởi nó. Đó chính là một ảo mộng bao quanh bạn, một câu chuyện cứ tiếp tục diễn ra. Và bởi vì bạn bị cuốn hút bởi nó, cho nên bạn cứ tiếp tục bỏ lỡ cái đang là. Tâm trí thì không có thật; nó chỉ là ảo mộng, nó chỉ là khả năng mơ mộng mà thôi. Tâm trí không là gì ngoài những mơ & mơ – những giấc mơ về quá khứ, về tương lai, về cách mọi thứ nên là, giấc mơ về những tham vọng…Hầu hết mọi người chúng ta đều liên tục mơ, rằng mình sẽ bắt đầu một chuyến tàu, và trong giấc mơ chúng ta luôn nhớ nó, rằng bạn sẽ thực hiện một cái gì đó, sẽ thực hiện nó…và bạn lại bỏ lỡ nó. Khi bạn đến sân ga, tàu đã rời đi. Bạn thấy nó rời đi, nhưng đã quá muộn; bạn không thể có được nó – NGHÌN ĐỜI CHƯA ĐẾN MỘT SÂN GA là thế! Tiếng còi tàu vọng từ thiên cổ chỉ là đơn giản là cách thức hoạt động của tâm trí; giấc mơ này tượng trưng cho tâm trí: NÓ LUÔN BỎ LỠ TẦU. Chắc chắn là như vậy. Tâm trí chỉ nghĩ và không bao giờ sống. Nó nghĩ rằng những suy nghĩ là đẹp, nhưng tất cả những suy nghĩ đều là như nhau cả, chúng chỉ là những giấc mơ. Bởi vì tâm trí cần có thời gian để suy nghĩ và thời gian không thể dừng lại cho bạn; nó tiếp tục tuột khỏi tay bạn. Tâm trí không thể sống trong khoảnh khắc này, bởi vì trước tiên nó phải quyết định, và khoảnh khắc sẽ bị mất trong suy nghĩ. Đến lúc tâm trí quyết định, thì thời điểm đó sẽ biến mất. Bạn luôn bị tụt lại phía sau. Tâm trí luôn chạy sau cuộc sống, tụt lại phía sau và liên tục bỏ lỡ nó.
 
Bạn không bao giờ có hai khoảnh khắc cùng nhau trong tay, chỉ có một khoảnh khắc duy nhất. Đó là khoảnh khắc nhỏ đến nỗi không có không gian để suy nghĩ di chuyển, không có không gian để cho suy nghĩ tồn tại. Hoặc bạn có thể SỐNG NÓ, hoặc bạn có thể NGHĨ NÓ. Sống nó là trở nên giác ngộ, còn nghĩ nó là bạn đã bỏ lỡ nó.
…….
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa cũ chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sững sờ
……..
Thu ơi vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
……
Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngỡ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga.
 
THU HOANG ĐƯỜNG phải chăng là một biểu tượng cho sự khao khát giác ngộ của con người, nó không phải là một mục tiêu, mà nó chỉ là sự nhận biết rằng chúng ta chỉ có khoảnh khắc hiện tại để sống. Khoảnh khăc tiếp theo không chắc chắn – nó có thể đến, nó có thể không đến. Trong thực tế ngày mai không bao giờ đến. Nó luôn luôn đến và đến, nhưng không bao giờ đến. Tâm trí luôn sống trong những ngày mai…Mà cuộc sống chỉ có thể ở hiện tại.
 
Chúa Jesus đã từng nói với các môn đệ của mình rằng: «Hãy nhìn những bông hoa ly ly trên cánh đồng, chúng thật đẹp làm sao! Ngay cả Solomon vĩ đại trong tất cả sự hùng vĩ của mình cũng không đẹp như những bông hoa ly ly khiêm nhường này.» Và bí mật là gì? Bí mật là chúng không nghĩ về ngày mai. Chúng sống bây giờ, chúng sống ở đây.
 
Sống bây giờ là trở nên giác ngộ, sống ở đây là trở nên giác ngộ, trở thành hoa ly ly là trở nên giác ngộ ngay lúc này! Hãy ra khỏi tâm trí, dừng mọi suy nghĩ về bất cứ điều gì lại, mà hãy thực sự sống ở đây và bây giờ. Đó là hương vị của sự giác ngộ. Nó không phải là mục tiêu, nó là trạng thái bình thường nhất của ý thức. Nó không có gì bất thường, nó không có gì đặc biệt. Cây cối được khai sáng, những con chim được khai sáng, những tảng đá được khai sáng, mặt trời và mặt trăng được khai sáng. Nhưng chỉ có con người là không, bởi vì chỉ có con người mới NGHĨ & BỎ LỠ.
 
Bài thơ THU HOANG ĐƯỜNG này, mới chỉ phản ánh việc con người nhận ra rằng mình đã & đang bỏ lỡ rất nhiều điều bí ẩn của cuộc sống. Con người không biết sống trong từng khoảnh khắc, không biết tận hưởng cái sự thông thường của cuộc sống một cách phi thường nhất. Cho nên, mùa thu thực sự còn chưa trở về, người còn xa rất xa, hoa vàng chưa toả hương, đêm quỳnh chưa ngậm sương, thu vẫn chìm trong mộng, thu vẫn còn hoang đường…Tất cả vẫn còn chưa được KHAI SÁNG, vẫn còn đang bị CHÌM KHUẤT NHƯ CƠN MƠ.
 
Tuy nhiên, nó cũng cho người đọc, có được những cái nhìn thoáng qua về một mùa THU THIÊN ĐƯỜNG, thông qua mùa THU HOANG ĐƯỜNG, người đọc sẽ nhận thấy những khoảng trống nhỏ trong giao lộ của tâm trí của mình, những khoảng trống nhỏ khi không có giao thông (Tâm trí là giao thông không ngừng, những ý nghĩ đang di chuyển, những kỷ niệm đang di chuyển, những tham vọng đang di chuyển – đó là giao thông chật chội ngày qua ngày). Đó là những khoảnh khắc của THIỀN ĐỊNH – là trạng thái không -tâm trí. Thiền là trạng thái tinh khiết của tâm thức, không có gì bên trong. Thông thường, tâm thức bạn đầy những rác rưởi, giống như cái gương phủ đầy bụi.
 
Nếu bạn đọc tiếp tập thơ đến bài thơ thứ 69 của tập thơ, chúng ta sẽ bắt gặp bài thơ: KHOẢNH KHẮC VÀ TRĂM NĂM, với những khổ thơ tuyệt đẹp như sau:
 
Khoảnh khắc là trăm năm
Xin bay cùng vô tận
Khoảnh khắc là hư không
Tôi ôm choàng hố thẳm.
 
Tựa đề của bài thơ là Khoảnh khắc VÀ trăm năm, nhưng đến khổ thơ cuối này, chúng thấy từ VÀ đã chuyển hoá thành từ LÀ. Khoảnh khắc LÀ trăm năm / Khoảnh khắc LÀ hư không. Thì người đọc mới ồ lên một tiếng rằng: Phải chăng đây mới chính là ẩn dụ của THU HOANG ĐƯỜNG? Chính bài bài thơ KHOẢNH KHĂC VÀ TRĂM NĂM này đã giúp cho tôi cảm nhận bài thơ THU HOANG ĐƯỜNG theo hướng như trên. Lần trước khi nghiên cứu tập thơ DẠ KHÚC, tôi đã nhận ra một điều là, thơ của Lê Văn Trung luôn có một sự liên kết vô hình giữa các bài thơ trong chính tập thơ, để tạo thành một bản trường ca, hết sức thú vị. Vì vậy, người đọc phải dành nhiều thời gian và công sức để đọc và cảm nhận, thì mới thấy được sự liên kết vi diệu đó của thơ ông.
 
Phải chăng, khi con người ta đã giác ngộ thì khoảnh khắc sẽ là vĩnh hằng, là bất biến. Nếu bạn càng yêu sâu sắc thời điểm hơn, thì bạn càng vào sâu nó hơn, càng có khả năng liên hệ với vĩnh hằng, bởi vì vĩnh hằng thấm đẫm mỗi thời điểm, nó theo sau thời điểm. Nếu bạn vào sâu trong nó, thời gian biến mất và vĩnh hằng biểu lộ chính nó.
 
Chỉ khi đó, con người mới cảm nhận được mùa thu không còn là THU HOANG ĐƯỜNG nữa, mà nó sẽ trở thành mùa THU THIÊN ĐƯỜNG. Chúng ta sẽ bắt gặp những mùa thu như thế trong tập thơ, được nhà thơ Lê Văn Trung gọi bằng những cái tên như: Mùa thu trong cơn mơ; Tình yêu trong cơn mơ; Ôm hoài chưa hết một cơn mơ; Đêm qua tôi mơ thấy em về; Giấc mơ chiều; Dạ khúc trăng; Phục sinh thơ…….
 
Xin kính mời các bạn hãy đến với những mùa thu như thế, ở trong tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG gồm 93 bài thơ thật tuyệt diệu của nhà thơ Lê Văn Trung nhé.
 
LÊ VĂN CHUNG

Monday, June 26, 2023

Cảm nhận: MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ THU HOANG ĐƯỜNG – Lê Văn Chung

  

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ
THU HOANG ĐƯỜNG – Tập thơ của Lê Văn Trung.


Chiều ngày hôm qua (24/06/2023), tôi hoàn bất ngờ trước một món quà rất quý hiếm mà nhà thơ Lê Văn Trung đã gửi tặng cho tôi đó là: Tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG của ông, đã được xuất bản từ năm 2018, đến nay đã được 4 năm rồi. Với mọi người có thể là tập thơ đã rất cũ, nhưng với tôi thì rất mới. Bởi vì, lần trước khi được tiếp cận với tập thơ DẠ KHÚC, nó đã làm cho tôi rất yêu quý và vô cùng ngưỡng mộ thơ của Lê Văn Trung. Tôi đã viết được 10 bài cảm nhận liên quan đến tập thơ đó, đặc biệt, thông qua tập thơ đó tôi đã quay lại đọc và thưởng thức thơ Hàn Mặc Tử một cách cẩn thận, chu đáo hơn và cảm thấy rất thú vị và rất ĐÊ MÊ. Tôi đã có 2 bài, trong 10 bài cảm nhận nói trên có sự liên hệ giữa thơ LVT và thơ Hàn Mặc Tử.
 
Đối với tôi, thơ của Lê Văn Trung giống như một nhân chứng, một hình bóng vô cùng sống động cho những gì tôi cảm nhận được về Thơ ca nói chung và Thơ của Hàn thi sĩ nói riêng. Thơ ca không phải là một khoa học theo nghĩa vật lý, toán học và hoá học là những khoa học. Nhưng Thơ ca vẫn là một khoa học đặc biệt, vì nó chính là sự hiểu biết tối thượng: Từ KHOA HỌC có nghĩa là BIẾT. Và nếu Thơ ca không phải là khoa học thì còn gì là khoa học. Bởi vì, sự hiểu biết cao nhất, là sự hiểu biết thuần khiết nhất của trái tim, của tâm hồn, thậm chí của LINH HỒN con người. Khoa học thông thường là kiến thức, không phải là BIẾT, trong khi đó Thơ ca tự bản thân nó chính là BIẾT. Khoa học thông thường là định hướng đối tượng – Nó biết một cái gì đó, do đó nó là kiến thức. Trong khi đó Thơ ca, không là sự định hướng đối tượng (mặc dù một tứ thơ có tựa đề); Nó không có đối tượng, nó biết KHÔNG về điều gì. Cái biết biết về chính mình, như thể gương đang phản chiếu chính nó. Nó là hoàn toàn tinh khiết về tất cả các nội dung. Do vậy Thơ ca không chỉ là kiến thức mà còn là sự NHẬN BIẾT.
Khi tôi đọc thơ của LVT trên mạng, thường là tôi cũng sẽ đọc nhanh, cho nên không cảm nhận được hết những cái hay, cái đẹp của thơ ông. Khi bạn có trong tay tập thơ, khi bạn đọc một bài thơ nào đó, thì tâm trí của bạn mới hoàn toàn tập trung vào bài thơ đó được. Khi đó bạn mới thấy hay, thấy ngấm, tiếng thơ, hồn thơ mới len được vào trái tim, tâm hồn của bạn được.
 
Thơ Lê Văn Trung, đã nhắc tôi một điều rằng: Cuộc sống bao gồm cả những NỖI BUỒN. Và nỗi buồn cũng đẹp; Nó có chiều sâu riêng, sự tinh tế riêng, khẩu vị riêng, hương vị riêng của nó. Con người sẽ nghèo hơn nếu anh ta không biết buồn. Anh ta sẽ bị bần cùng hoá, cực kỳ nghèo nàn nếu như anh ta không biết BUỒN. Khi đó tiếng cười của anh ta sẽ nông cạn, tiếng cười của anh ta sẽ không có chiều sâu, bởi vì chiều sâu của nó chỉ đến qua NỖI BUỒN. Chẳng hạn, chúng ta đến với bài thơ HIU HẮT BUỒN NHƯ TIẾNG THỞ DÀI – Bài thơ thứ 70, trong tập thơ:

HIU HẮT BUỒN NHƯ TIẾNG THỞ DÀI
Nắng của chiều vàng hơn nắng mai
Tóc của người mềm hơn sương phai
Có đôi chim ngủ hoài trong lá
Không hiểu vì đâu cứ thở dài.
Hương của chiều vương hương đêm trầm
Sương của chiều chờ ai chưa tan
Có bàn chân của mùa thu cũ
Bước nhẹ nhàng đau chiếc lá vàng
Tôi nghe đêm thở từ xa vắng
Tôi nghe chiều đi từ mênh mông
Và hoa đã nở từ muôn kiếp
Đã rót vào thơ đoá lệ hồng
Nắng bỗng vàng, vàng trong mắt ai
Sương cũng vàng, vàng theo nắng phai
Tôi nghe trong gió lời thao thiết
Hiu hắt buồn như tiếng thở dài.
 
Mặc dù là HIU HẮT BUỒN NHƯ TIẾNG THỞ DÀI, nhưng trong bài thơ chúng ta còn thấy một thế giới vô cùng đẹp đẽ, sang trọng và hết sức tinh tế. Khi bạn nghe được:
 
tiếng thở dài của chim
nghe đêm thở từ xa vắng
nghe chiều đi từ mênh mông
nghe trong gió lời thao thiết,
 
thì bạn phải là một người có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm. Bạn phải trở thành một kênh truyền dẫn, một kênh tiếp nhận. Bạn phải trở nên ÂM TÍNH & ĐIỀM ĐẠM hơn rất nhiều so với người bình thường, thì bạn mới có thể bước được vào ngôi đến của THƯƠNG ĐẾ, để có thể nhận biết được:
 
VÀ HOA ĐÃ NỞ TỪ MUÔN KIẾP
ĐÃ RÓT VÀO THƠ ĐOÁ LỆ HỒNG
NẮNG BỖNG VÀNG, VÀNG TRONG MẮT AI
SƯƠNG CŨNG VÀNG, VÀNG THEO NẮNG PHAI…
 
Đúng như trong bài: Thay lời tựa cho tập thơ với nhan đề TRỜI THU LÊ VĂN TRUNG, nhà thơ Tô Thẩm Huy đã viết:
 
« Trời thu của người thi sĩ tài hoa, đa tình ấy không có ở trần gian. Nó ở cõi nào trong 36 cung trời chư thiên tịnh độ, nào ai biết. Trên các cung trời Đao Lợi, Đâu Suất ấy, nơi mà chim, nước, cỏ cây,cảnh vật có là ngọc báu đẹp đẽ, nơi các chư thiên chỉ nắm tay nhau đã hỷ lạc tột cùng, e rằng có lẽ cũng chẳng xinh tươi, hứng thú hơn cõi trời thu của Đệ Nhất tài tử, thi nhân Lê Văn Trung ». – Hết trích.
 
Vâng, xin cảm ơn một đoạn văn dẫn dẫn nhập của nhà thơ Tô Thẩm Huy thật hay, thật đẹp nói trên, đã giúp cho tôi vô cùng háo hức trong việc thâm nhập vào TRỜI THU của THU HOANG ĐƯỜNG. Bạn có thể thấy nó rất buồn nhưng bạn có thể tìm thấy những giá trị thật BAO LA của nó. Hy vọng, trong TG tới, tôi sẽ có thêm một số bài cảm nhận về một số bài thơ của tập thơ có cái tên cũng thật đẹp, thật lãng mạn đó là THU HOANG ĐƯỜNG
 
Xin cảm ơn nhà thơ Lê Văn Trung, rất nhiều về một món quà thật bất ngờ này ạ. Vì nhà thơ đã rất yêu quý tôi, cho nên anh đã tự gửi tập thơ cho tôi, mà không cần hỏi ý kiến của tôi, và anh lại còn sợ tôi thất vọng về tập thơ này nữa chứ!
 
Xin thưa với nhà thơ LVT là: em không những không thất vọng mà còn vô cùng sung sướng khi được đọc những bài thơ của tập thơ này, sung sướng đến cái mức như mình đang được sống trong cõi trời thu của một nhà thơ có một tâm hồn thuần khiết trong sáng hiếm có của thơ ca VN, sau Hàn Mặc Tử.
 
LÊ VĂN CHUNG.

Sunday, June 4, 2023

Cảm nhận: Một chút cảm nhận về bài thơ Trái Tim của thi sĩ Lê Văn Trung - Lê Văn Chung

 MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ: TRÁI                                          TIM                   

                  Bài thơ của Lê Văn Trung.
 
Hầu hết các nhà thơ đều là những người sống bằng TRÁI TIM. Bởi vì họ là những người luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, khám phá những ý nghĩa của cuộc sống, của vũ trụ nhân sinh. Trái tim của họ dường như biết lắng nghe những âm thanh của những điều chưa biết, họ sẵn sàng dấn thân vào những điều chưa biết, bất chấp mọi nỗi sợ hãi. Cho nên, nhà thơ là những con người rất CAN ĐẢM. Can đảm không có nghĩa là không biết sợ, họ cũng có cảm giác sợ hãi như mọi người bình thường, nhưng nếu bạn can đảm gạt nỗi sợ của mình sang một bên và tiến về phía trước, thì bạn sẽ đạt đến trạng thái không sợ hãi. Và không sự hãi chính là hương thơm tỏa ra từ lòng quả cảm tuyệt đối đó.

Chẳng hạn, khi đi vào vùng biển chưa có tên trên bản đồ, giống như Columbus đã làm, trong chuyến hành trình tìm ra châu Mỹ của ông ấy, bạn sẽ sợ hãi, vô cùng sợ hãi, bởi vì, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra. Bạn đang rời khỏi bến đỗ an toàn, nơi mà bạn hoàn toàn thấy yên ổn, nhưng thiếu mất một điều – Sự phiêu lưu. Việc bước chân vào chốn vô định khiến lòng bạn dâng tràn cảm xúc. Nhịp tim bạn bắt đầu rộn rã, một lần nữa bạn được sống, được sống theo đúng nghĩa. Từng thớ thịt trên cơ thể bạn trở nên căng tràn sức sống bởi vì bạn đã chấp nhận cuộc thử thách của cái vô định.

Do vậy, con đường của trái tim chính là con đường của sự CAN ĐẢM. Đó là sống cùng với cảm giác bất an, sống trong TÌNH YÊU & LÒNG TIN. Để dám bước vào những điều chưa biết.

Trong khi đó CÁI ĐẦU của con người không thể làm được những điều đó, nó bao giờ cũng cách rất xa những điều chưa biết, bởi cái đầu bao giờ cũng chứa đầy ắp những thứ đã biết, đó là quá khứ, là cái chết, là cái đã qua. Cái đầu của bạn chính là tâm trí của bạn, mà tâm trí không là gì ngoài quá khứ và những ký ức được tích lũy từ quá khứ. Trái tim là tương lai, trái tim luôn chứa đầy hy vọng, trái tim luôn hướng đến một nơi nào đó trong tương lai. Trái tim luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro; Trái tim là kẻ liều lĩnh. Trong khi đó cái đầu của bạn thì luôn nghĩ về quá khứ, cái đầu là nhà kinh doanh, nó luôn tính toán, luôn tinh ranh. Trái tim thì không như vậy, trái tim luôn hướng tới tương lai.

Tương lai thì vẫn chưa đến, chưa hiện hữu, nhưng tương lai là một khả năng có thật – Nó sẽ tới và đang trên đường tới. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, tương lai sẽ trở thành hiện tại, và hiện tại trở thành quá khứ. Quá khứ đã được sử dụng nên không còn khả năng. Bạn đã rời khỏi nó, nó đã cạn kiệt, đã chết, giống như một nấm mồ. Tương lai giống như một hạt mầm, nó đang xuất hiện, luôn xuất hiện. Bạn luôn chuyển động. Hiện tại là sự dịch chuyển, dần hướng đến tương lai.
Nhà thơ Lê Văn Trung cũng vậy, ông là một nhà thơ lớn của xứ Quảng, đã từng có rất nhiều sự tìm tòi, sáng tạo, khám phá ra được rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống, của vũ trụ nhân sinh. Chúng ta thấy trong tập THƠ gần đây nhất của ông là tập thơ DẠ KHÚC, có rất nhiều bài thơ đã nhắc đến TRÁI TIM & đặc biệt có đến hai bài thơ tương đối dài ông viết về trái tim đó là: TRÁI TIM & TÔI XIN GỬI TRÁI TIM MÌNH.
Chẳng hạn:
 
Tôi sẽ vẽ vào TRÁI TIM trời đất
Một màu mây vàng thắm buổi yêu người
Tôi sẽ nạm từng dòng sương lệ ngát
Vào mắt tình xanh biếc thuở hai mươi.
(ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI)
 
Cùng nhân gian tô thắm những gam màu
Với những đôi bướm vàng đang tình tự yêu nhau
Làm rung nhẹ TRÁI TIM đang rạng ngời nắng biếc
Đôi cánh chập chờn vờn nhau trong trò vui tình yêu diễm tuyệt.
(VÀ TÌNH YÊU ĐÂU PHẢI CHỈ LÀ GIẤC MƠ)
 
Tôi xin mở rộng lòng mình
Như lòng xuân cũng mông mênh đất trời
Tôi xin trải vẹn niềm vui
Trong TIM em - trong TIM người, tôi yêu.
(DÂNG HIẾN)
 
Em có nghe gió mùa xanh réo gọi
Hồn thanh niên bừng mộng cháy phương người
Em có nghe TRÁI TIM hồng nức nở
Máu tuôn nồng bao khát vọng khôn nguôi.
(HÁI GIÙM TÔI NHÉ MỘNG NGÀY XANH)
 
Tôi nghe nhịp TIM ĐỜI rung tiếng nhạc
Mười ngón tay nở mười nụ hoa hồng.
(NẮNG LỤA MÙA ĐÔNG)
 
Hàng triệu năm thiên cổ kiếm tìm nhau
Xin thắp sáng TRÁI TIM hồng cháy mãi
(NGUYỆN)
 
Tôi đang ru TRÁI TIM mình
Ngủ yên đi nhé đừng quên nhớ gì
(TÔI RU TÔI NGỦ)
 
Bóng em và cỏ sương chiều
Có mang theo được ít nhiều thơ không
TRÁI TIM tôi, ngọn cỏ hồng
Em ơi đừng để máu loang ngực tình.
(CỎ - THƠ – VÀ EM)
 
Ta lặng đứng nghe trào dâng sóng vỡ
Ta thao thiết ôm ghì ta để nghe từng nhịp thở
Của ngày xưa thần thoại đã quay về
TRÁI TIM ta cười nhưng chảy lệ pha lê.
(NGÀY XƯA)
 
Trăm mùa thu yêu em
TRÁI TIM còn cháy lửa.
(TRĂM MÙA THU YÊU EM)
 
Tôi sẽ vẽ chuyện tình tôi
Bằng câu thơ của một thời yêu em
Bằng màu thắm của TRÁI TIM
Bằng hương của đoá quỳnh vừa ngậm sương
Bằng chiều vàng nắng tơ vương
Bằng nhung lụa của trăm dòng sông xanh.
(CHUYỆN TÌNH)
 
Sau đây, chúng ta sẽ đến với bài thơ TRÁI TIM – Bài thơ thứ 52, trong tập thơ DẠ KHÚC:
 
TRÁI TIM
Xin em giữ trái tim tôi ở lại
Cõi trần gian cho vẹn nghĩa trăm năm
Yêu nhau đi như thuở nguyệt đang rằm
Cho bất tuyệt cuộn dâng dòng tinh huyết
Cho rực rỡ một rừng hoa diễm tuyệt
Cho hương người mê hoặc cả thần tiên
Trái tim là mầu nhiệm của vô biên.
Mùa lênh đênh phả tình thu ở lại
Chút hương thầm du lãng cõi trăm năm
Uyên xưa thơ trải nguyệt trăng rằm
Đêm lộng ngọc hoa ngàn say tinh huyết!
Ôi tri kỷ thiên tình ca diễm tuyệt!
Men rượu huyền say khướt mộng thần tiên
Hạnh ngộ nào tơ tóc thoảng vô biên.
Thơ cuộn gió tựu mùa xưa thổi lại
Thực hư về đọng tiềm thức xa xăm
Cuộc trăm năm lồng trăng nước đêm rằm
Không lộ hiện giọt sương – dòng tinh huyết
Ôi lòng đất mênh mông trời diễm tuyệt
Nhập đường trần thả sợi nguyệt như nhiên
Từng ván cờ ẩn màu nhiệm vô biên.
Ai chạm bóng ngàn xưa giờ ngoảnh lại
Nhật nguyệt chiều rong cuộc lữ trăm năm
Hàng thông treo ánh nguyệt giữa đêm rằm
Theo gió thoảng thiêng liêng dòng tinh huyết
Tự lòng đất miên man trời diễm tuyệt
Cưu mang đời giọt thánh thót như nhiên
Ôi núi rừng hoà nhịp điệu vô biên !
 
Bài thơ TRÁI TIM này dường như phản ánh một sự thật đó là: Tác giả của nó là một người đã và đang đi trên con đường của trái tim, ông ấy là một người có khả năng di chuyển từ cái đầu xuống TRÁI TIM, ông ấy dường như có thể sống trong ngôi đền TRÁI TIM, có thể đi rất sâu vào cảm xúc, thi nhân đã trở nên dâng trào cảm xúc, tràn đầy tình yêu thương. Khi đó không cần bằng chứng nào khác hơn về đấng linh thiêng: Ngài đơn giản là hiện hữu. Khi TRÁI TIM hoạt động tối đa thì đấng linh thiêng hiện hữu. Khi TRÁI TIM rực cháy niềm vui & tình yêu thương thì đấng linh thiêng hiện hữu. Con người tràn đầy tình yêu thương không phải là tình yêu như là một mối quan hệ nào đó, mà nó chính là phẩm chất yêu thương, trạng thái yêu thương. TRÁI TIM đơn giản có nghĩa là sự hài hoà, khi bạn hài hòa, bạn ở trong TRÁI TIM, bạn ở trong TÌNH YÊU. Khi bạn không hài hòa, bạn không ở trong TÌNH YÊU, không ở trong trái tim, bạn đang ở một nơi khác. Tác giả đã sử dụng từ TRÁI TIM, không giống như các nhà thơ khác sử dụng từ TRÁI TIM – Như là một trung tâm của cảm xúc và cảm giác. Mà ông đã sử dụng từ TRÁI TIM theo cách của một nhà HUYỀN MÔN, nó thậm chí không liên quan gì đến sự đa cảm, tình cảm hay cảm xúc – không, không có gì cả. TRÁI TIM là một trạng thái khi bạn hoà hợp, khi tất cả những mảnh vỡ của bạn biến mất. Bấy giờ bản thể của bạn chỉ là một sự trống rỗng, một hư vô. Cái hư vô ấy, anatta, vô ngã – Không gian thuần khiết ấy là thứ mà thi nhân đã gọi nó là TRÁI TIM.
 
Khổ thơ đầu:
 
Xin em giữ trái tim tôi ở lại
Cõi trần gian cho vẹn nghĩa trăm năm
Yêu nhau đi như thuở nguyệt đang rằm
Cho bất tuyệt cuộn dâng dòng tinh huyết
Cho rực rỡ một rừng hoa diễm tuyệt
Cho hương người mê hoặc cả thần tiên
Trái tim là mầu nhiệm của vô biên.
 
Câu thơ mở đầu: Xin em giữ TRÁI TIM tôi ở lại. Nó giống như một lời mời một người khác, đó là một người phụ nữ (XIN EM) đi vào trong trái tim của bạn, nó sẽ trở thành một lối đi mở, không có bất kỳ rào cản nào, không có khoá, không có cánh cửa nào bên ngoài trái tim của bạn. Chỉ khi đó TÌNH YÊU mới xuất hiện. Tiếp đến tác giả đã tha thiết kêu gọi:
 
YÊU NHAU ĐI NHƯ THUỞ NGUYỆT ĐANG RẰM
CHO BẤT TUYỆT CUỘN DÂNG DÒNG TINH HUYẾT
CHO RỰC RỠ MỘT RỪNG HOA DIỄM TUYỆT
CHO HƯƠNG NGƯỜI MÊ HOẶC CẢ THẦN TIÊN
TRÁI TIM LÀ MẦU NHIỆM CỦA VÔ BIÊN.
 
Khi bạn hài hoà, bạn ở trong TRÁI TIM, bạn ở trong TÌNH YÊU, đó là khi hai tâm hồn gặp nhau, tình yêu sẽ xuất hiện, tình yêu là một hiện tượng giả kim – giống như hydro và oxy gặp nhau sẽ tạo thành một thứ mới là nước. Bạn có thể có hydro, bạn có thể có oxy, khi bạn khát chúng sẽ chẳng giúp ích được gì cho bạn. Bạn có thể có rất nhiều oxy như mong muốn, rất nhiều hydro như mong muốn, nhưng cơn khát sẽ không biến mất. Khi TRÁI TIM được mở ra, cũng là khi hai tâm hồn gặp nhau, điều mới mẻ sẽ xuất hiện. Điều mới mẻ đó chính là Tình yêu. Và giống như nước, Tình Yêu sẽ làm thỏa mãn những cơn khát của nhiều, nhiều kiếp sống, trong đó có cả những kiếp sống của THẦN TIÊN: Cho hương người mê hoặc cả thần tiên. Điều đó đã khẳng định: TRÁI TIM LÀ MÀU NHIỆM CỦA VÔ BIÊN.
 
Đọc những khổ thơ tiếp theo của bài TRÁI TIM, chúng ta sẽ bắt gặp những trạng thái mãn nguyện sâu sắc nhất của TÌNH YÊU, khi có tình yêu và hai tâm hồn gặp nhau, tan biến và hòa quyện vào nhau, một đặc tính mới sẽ xuất hiện – SỰ MÃN NGUYỆN. Đó chính là dấu hiệu rõ rệt nhất của SỰ SÁNG SUỐT khi bạn đi con đường của TRÁI TIM, bạn mãn nguyện, như thể bạn đã có được mọi thứ. Chẳng còn gì cần phải đạt tới lúc này; Bạn đã đến đích. Không còn mục tiêu nào khác, định mệnh đã được hoàn thành. Hạt giống đã trở thành bông hoa, và bông hoa đó đã nở rộ hoàn toàn:
 
Ai chạm bóng ngàn xưa giờ ngoảnh lại
Nhật nguyệt chiều rong cuộc lữ trăm năm
Hàng thông treo ánh nguyệt giữa đêm rằm
Theo gió thoảng thiêng liêng dòng tinh huyết
Tự lòng đất miên man trời diễm tuyệt
Cưu mang đời giọt thánh thót như nhiên
Ôi núi rừng hoà nhịp điệu vô biên!
 
Bất cứ khi nào đang yêu, người ta sẽ mãn nguyện thật sâu sắc.
 
AI CHẠM BÓNG NGÀN XƯA GIỜ NGOẢNH LẠI
NHẬT NGUYỆT CHIỀU RONG CUỘC LỮ TRĂM NĂM
HÀNG THÔNG TREO ÁNH NGUYỆT GIỮA ĐÊM RẰM…
 
Đó chính là những sự mãn nguyện tối thượng mà Tình yêu mang đến cho những con người đã đạt được đến trạng thái TRÁI TIM.
 
Tình yêu không được nhìn thấy, nhưng bạn có thể nhìn thấy sự mãn nguyện, hài lòng sâu sắc tỏa ra từ TRÁI TIM của con người đó… trong từng hơi thở, trong từng cử động, từ sự hiện hữu của họ. Khoảnh khắc đó là vĩnh hằng bất biến, nó sẽ đi vào CÕI TRĂM NĂM, BÓNG NGÀN XƯA, hay nhịp điệu VÔ BIÊN của vũ trụ nhân sinh.
 
LÊ VĂN CHUNG

Ru

  RU Ngủ đi tôi Ngủ đi thôi Đêm sâu hun hút Đêm dài mênh mang Thắp chưa tàn một nén nhang Tôi cầu xin chút bình an cuối cùng Ngủ đi em Mộng ...