MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIÊM BAO 1 & CHIÊM BAO 2 của Lê Văn Trung
Trong bài viết, bài MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THƠ CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN, tôi có bàn đến những quan niệm về HAM MUỐN. Khi đọc lại những bài thơ của nhà thơ Lê Văn Trung, tôi cảm thấy những quan niệm đó có một điều gì đó rất gần gũi với nhà thơ của Lê Văn Trung, qua hai tập thơ DẠ KHÚC & THU HOANG ĐƯỜNG của ông.
Tập thơ DẠ KHÚC có 149 bài thơ về tình yêu, và tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG có 93 bài thơ cũng chỉ viết về tình yêu, mà không hề có bất kỳ một chủ đề nào khác với chủ đề tình yêu, cộng lại là 242 bài thơ và hơn 361 trang sách của cả hai tập thơ. Lẽ tự nhiên, tôi và các bạn đọc đều sẽ phải đưa ra một câu hỏi rằng: Nguồn năng lượng nào đã giúp cho thi nhân làm ra được nhiều bài thơ tình hay và sâu sắc như thế?
Phải chăng, là năng lượng CỦA HAM MUỐN. Khi ham muốn là một năng lượng ngập tràn trong tâm thức của thi nhân, cũng là lúc nhà thơ trở thành nhà huyền môn. Chính William Blake - nhà huyền môn sâu sắc nhất, một trong những người đẹp nhất từng đi trên trái đất này, đã nói rằng: HAM MUỐN LÀ NĂNG LƯỢNG & NĂNG LƯỢNG LÀ SỰ VUI THÍCH.
Khi bạn ở trong một năng lượng huyền môn, bạn tham gia vào một thứ gì đó của năng lượng ham muốn thuần tuý – không đi tới đâu, không di chuyển tới đâu, bạn chỉ xúc động KHÔNG vì bất kỳ lý do nào, bạn chỉ ngây ngất điên dại không vì một đối tượng, hoặc một lý do nào. Và trong những khoảnh khắc như thế, bạn sẽ có sự kết nối với tồn tại, bởi vì những khoảnh khắc đó chính là thực tại của bạn, bạn thoát ra khỏi tâm trí, để thâm nhập tới cốt lõi sâu nhất ham muốn của bạn, tới chính hạt giống của ham muốn. Khi đó một cái gì to lớn, một cái gì đó không thể tin được, một cái gì đó bạn không thể tưởng tượng được, là có thể - Một sự thâm nhập của bên kia vào bạn, một sự gặp gỡ của trái đất và bầu trời.
Ham muốn là hạt giống cuối cùng của tất cả các hạt giống khác, trong đó có hạt giống THƠ CA. Nó không tồn tại trong tâm trí của bạn, mà nó ở trong tâm thức của bạn. HAM MUỐN là một ĐẠI DƯƠNG bao la, nó lớn như bầu trời – Và ngay cả bầu trời cũng không phải là giới hạn với nó. Tâm trí chỉ có một chút thoáng nhìn của ham muốn, nó chỉ là một thoáng nhìn chập chờn của ham muốn. Tâm trí không biết gì về ham muốn; tâm trí chỉ biết về ham muốn này, ham muốn kia. Ham muốn tiền bạc, ham muốn quyền lực, ham muốn tình dục, ham muốn uy tín…Tâm trí chỉ biết về những ham muốn đối với các đối tượng cụ thể của thế gian. Nhưng khi các đối tượng không còn ở đó nữa, thì ham muốn không còn là một phần của tâm trí. Khi đó ham muốn vượt lên trên tâm trí; thế thì ham muốn chỉ đơn giản là một năng lượng ngập tràn.
Chẳng hạn, chúng ta hãy đến với bài thơ CHIÊM BAO 2 – bài thơ thứ 51 của tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG:
CHIÊM BAO 2
Không biết rằm chưa hay mười ba
Không biết màu trăng hay màu hoa
Tôi đang mơ giấc chiều xanh biếc
Tình như tương tư tình hôm qua
Có lẽ? Không! Ồ! Em là trăng
Là câu thơ đậu giữa môi hồng
Là hương cổ tích từ muôn kiếp
Là mây mênh mang cùng đêm sương
Có lẽ? Không! Ồ! Em vàng trăng!
Vàng phơi từng đóa nụ hoa vàng
Ôi đêm Huyền diệu phơi tình mộng
Ôi trăng mười ba hay đang rằm
Tôi nghe ai hát qua triền gió
Rụng xuống hồn tôi giọt lệ nồng
Để suốt trăm năm lòng cứ ngỡ
Trăng của màu xanh em nhớ không?
Không biết đêm vàng hay hồn trăng
Không biết da ngời hay dạ lan
Hương bay thơm quá hồn thơ ngọc
Hương lan hay màu trăng mênh mang!
Bài thơ đã phản ánh ham muốn của thi nhân, khi ông ta ở trong một năng lượng huyền môn, ngoài tâm trí của mình. Trong bài thơ tác giả đã lặp lại từ KHÔNG sáu lần, trong đó có bốn lần là KHÔNG BIẾT. Tâm trí chỉ có nghĩa là những gì đã sống, đã biết, đã trải qua – quá khứ được tích tụ. Thế mà, ở đây, con người là không biết cả đến thời gian LÀ RẰM HAY MƯỜI BA, không biết MÀU TRĂNG HAY MÀU HOA, không biết ĐÊM VÀNG HAY HỒN TRĂNG, không biết DA NGỜI HAY DẠ LAN… Và đặc biệt thú vị là không biết người yêu của mình là ai? Tất cả chỉ là một sự nghi hoặc: CÓ LẼ? KHÔNG! Ồ! EM LÀ TRĂNG / CÓ LẼ? KHÔNG! Ồ! EM VÀNG TRĂNG. Vậy nên tất cả những ham muốn của con người trong CHIÊM BAO 2 này là nằm ngoài tâm trí. Chúng là những ham muốn không có đối tượng cụ thể nào hết. Tình yêu của anh ta chỉ đơn giản là tình yêu thuần khiết, đó chính là năng lượng thuần khiết, sự khao khát thuần khiết – chỉ là một rung động, một nhịp đập, là một niềm đam mê hồn nhiên nhất có thể của con người. Mặc dù là không biết, nhưng bạn có đó, sự tồn tại có đó, và cuộc gặp gỡ của hai cái CÓ ĐÓ này – cái CÓ ĐÓ nhỏ bé, hữu hạn của bạn, gặp gỡ với cái CÓ ĐÓ vô hạn của sự tồn tại – Cuộc gặp gỡ đó, sự hợp nhất đó, đã tạo nên vẻ đẹp cho những câu thơ:
Là câu thơ đậu giữa môi hồng
Là hương cổ tích từ muôn kiếp
Là mây mênh mang cùng đêm sương.
……..
Vàng phơi từng đóa nụ hoa vàng
Ôi đêm huyền diệu phơi tình mộng
Ôi trăng mười ba hay đêm rằm.
Tôi nghe ai hát qua triền gió
Rụng xuống hồn tôi giọt lệ nồng
Để suốt trăm năm lòng cứ ngỡ
Trăng của màu xanh em nhớ không?
……
Hương bay thơm quá hồn thơ ngọc
Hương lan hay màu trăng mênh mang.
Rõ ràng HỒN NHIÊN là cánh cửa; thông qua sự hồn nhiên bạn đi vào vẻ đẹp. Bạn càng trở nên hồn nhiên, sự tồn tại càng trở nên tươi đẹp. Bạn càng trở nên hiểu biết, càng nhiều tâm trí, sự tồn tại càng trở nên xấu xí, bởi vì khi đó bạn bắt đầu hoạt động từ những kết luận đã có trong đầu, bạn bắt đầu hoạt động từ kiến thức.
Khoảnh khắc bạn biết, bạn phá huỷ tất cả THI CA. Khoảnh khắc bạn biết, hoặc bạn nghĩ rằng bạn biết, bạn đã tạo ra một rào cản giữa bạn và CÁI ĐÓ. Rồi mọi thứ đều méo mó. Khi đó, bạn không nghe nó bằng tai của mình mà bạn lại đi dịch nó sang ngôn ngữ của bạn. Khi đó, bạn không thấy nó bằng mắt của mình, mà bạn lại đi giải thích nó bằng những cái đã biết của mình. Bạn đã không trải nghiệm nó với trái tim của mình, nhưng bạn lại nghĩ rằng mình đã trải nghiệm. Và khi đó mọi khả năng về sự gặp gỡ với tồn tại theo cách ngay lập tức, trong sự thân mật, sẽ biến mất. Bạn đã bị rơi thành từng mảnh. Vì vậy, hãy sống những khoảnh khắc mà không có kiến thức, khi bạn biết rằng TÔI KHÔNG BIẾT, hoạt động từ trạng thái không biết này, bạn sẽ biết thế nào là vẻ đẹp của tồn tại.
Nhà thơ Lê Văn Trung biết vẻ đẹp là gì, bởi vì ông ta hoạt động trong trạng thái KHÔNG BIẾT này. Có đó một sự hiểu biết mà là không biết, và có đó một sự thiếu hiểu biết mà là biết. Trở nên thiếu hiểu biết như Lê Văn Trung và khi đó một phẩm chất hoàn toàn khác đi vào trong bản thể, trong tâm thức của bạn: Bạn trở thành một đứa trẻ, đó chính là sự tái sinh của bạn. Đôi mắt của bạn đầy sự ngạc nhiên một lần nữa, mỗi và mọi thứ xung quanh đều đáng ngạc nhiên, HƯƠNG BAY THƠM QUÁ HỒN THƠ NGỌC / HƯƠNG LAN HAY MÀU TRĂNG MÊNH MANG.
Quay lại với bài thơ CHIÊM BAO 1- Bài thơ thứ 50 của tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG, bạn sẽ bắt gặp những vẻ đẹp tuyệt vời của những cuộc gặp gỡ giữa cái hữu hạn với cái vô hạn – và như thể bạn bắt đầu trượt vào Đại dương của Thượng đế:
CHIÊM BAO 1
Một hôm vườn cũ em về lại
Những giọt sương mềm ôm gót chân
Hoa của mùa xưa hồng mấy đoá
Viên sỏi bên đường cũng tỏa hương
Và hồn thơ biếc thơm như mật
Một trái môi tình men thoáng say
Con dế đa tình ru tiếng hát
Xanh quá như lời của cỏ cây
Tôi chép thơ lên mỗi bước tình
Đêm vàng đêm ngọc sáng lung linh
Ôi hồn nhung lụa như sương mỏng
Đừng để tan vào nỗi nhớ quên!
Trong những khoảnh khắc hồn nhiên, KHÔNG BIẾT, sự khác biệt giữa người quan sát và cái được quan sát bốc hơi. Bạn không còn tách biệt với những gì bạn đang thấy, bạn không còn tách rời với những gì bạn đang nghe. VIÊN SỎI BÊN ĐƯỜNG CŨNG TOẢ HƯƠNG / CON DẾ ĐA TÌNH RU TIẾNG HÁT…
Vẻ đẹp của thơ ca là một trải nghiệm xảy ra trong sự HỒN NHIÊN của thi sĩ, đóa hoa đó chỉ có thể nở ra trong sự hồn nhiên của con người. Bởi vậy mà chúa Jesus đã từng nói rằng: “TRỪ KHI BẠN GIỐNG NHƯ ĐỨA TRẺ NHỎ, BẠN SẼ KHÔNG VÀO ĐƯỢC VƯƠNG QUỐC CỦA THƯỢNG ĐẾ”.
LÊ VĂN CHUNG