MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ THƠ CHO CÕI IM LẶNG CỦA NHÀ THƠ LÊ VĂN TRUNG
Đọc hai tập thơ của nhà thơ Lê Văn Trung là DẠ KHÚC & THU HOANG ĐƯỜNG, tôi có cảm tưởng rằng: Dường như hầu hết các bài thơ của thi nhân là thơ về một cõi IM LẶNG nào đó. Tập thơ THU HOANG ĐƯỜNG, gồm có 93 bài thơ, đã được chính tác giả giới thiệu ngay từ trang sách đầu tiên là TRÍCH THƠ CỦA NGÓI, nghĩa là cả tập thơ gồm 93 bài thơ đó đều là thơ của ngói. Sang đến tập thơ DẠ KHÚC, thì mặc dù chỉ có ba bài thơ ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI / TÌNH XANH / NGỒI LẠI CÙNG TÔI / TRĂM MÙA THU YÊU EM, là được tác giả ghi rõ là thơ dành cho cõi im lặng, và một bài thơ duy nhất là bài thơ THAO THIẾT MÙI HƯƠNG – Bài thơ thứ 41 trong tập thơ, là được tác giả ghi là trích thơ của ngói – cũng là thơ dành cho cõi im lặng. Còn lại, 144 bài thơ trong tập thơ cũng đều là thơ cho cõi im lặng (chỉ là không ghi mà thôi), khiến cho những người đọc qua loa đại khái, thì họ nghĩ rằng thơ của LVT, chỉ là những giấc mơ của thi nhân mà thôi.
Sẽ là một sự cống hiến vĩ đại cho thơ ca, nếu bạn tìm thấy một người cũng giống như Lê Văn Trung, thay vì mô tả những giấc mơ của một người chạy trốn khỏi những nanh vuốt của một xã hội CS, ông đã mô tả, phân tích giấc mơ của một con người không chỉ khỏe mạnh về mặt tâm lý mà ông còn là một nhà thơ tràn đầy sức sáng tạo. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được mọi giấc mơ của LVT, không phải là sự ức chế mà là sản phẩm của một Ý THỨC SÁNG TẠO. Giấc mơ của ông không hề bệnh hoạn, ngược lại chúng còn thật sự lành mạnh. Mỗi bài thơ của ông đã cho chúng ta thấy rằng: Toàn bộ sự tiến hoá và ý thức của con người đều phụ thuộc vào những sự mộng mơ kiểu như thế của LVT.
Có hai loại im lặng. Một là: IM LẶNG CỦA TÂM TRÍ, đa số mọi người chúng ta hoặc là bám lấy lời, lấy chữ, hoặc bằng cách nào đó chúng ta bỏ lời, chữ, thì chúng ta lại bắt đầu bám lấy cái đối lập của lời, chữ, mà chúng ta gọi đó là sự im lặng. Nhưng chân lý không ở trong lời, và cũng không ở trong sự im lặng kiểu đó. Chân lý là siêu việt, chân lý là siêu việt trên nhị nguyên. Im lặng như trên là một phần của trò chơi nhị nguyên của tâm trí. Tâm trí không chỉ là lời mà nó còn có cả sự im lặng. Giữa hai lời có một kẽ hở nhỏ nơi tâm trí im lặng. Tâm trí là cả hai – Lời và im lặng đan chéo. Từng lời được theo sau bởi im lặng, và từng im lặng được theo sau bởi lời.
Khi bạn suy nghĩ, một ý nghĩ tới, thế rồi kẽ hở tới, nếu không có kẽ hở thì ý nghĩ này sẽ chờm lên ý nghĩ khác, và sẽ có một sự lẫn lộn rất lớn, vì vậy mà kẽ hở được cần đến để cho các ý nghĩ của con người không bị lộn xộn. Thế rồi ý nghĩ khác lại sẽ tới. Nó cũng giống như khi bạn đứng trên đường quan sát giao thông. Xe này đi qua, thế rồi kẽ hở đi qua! Bạn thường không để ý đến những kẽ hở đó. Xe này đi qua, thế rồi kẽ hở cũng đi qua, và thế rồi xe khác cũng đi qua. Nếu không có kẽ hở, sẽ có va chạm giữa hai xe, sẽ có tai nạn. Kẽ hở bao giờ cũng có đó. Kẽ hở là một phần của giao thông cũng như các xe đang giao thông. Đích xác cùng điều này là hoàn cảnh với tâm trí. LỜI, tiếng ồn, và cái gọi là IM LẶNG, đều là hai phần của TÂM TRÍ.
Nhưng, có một loại im lặng khác không liên quan gì tới tâm trí. Sự im lặng đó không phải là sự thiếu vắng của những tiếng ồn, nó chính là sự hiện diện của cái, mà lý trí của con người không thể biết được – Nó có một phẩm chất khác toàn bộ: KHÔNG PHẢI LÀ THIẾU VẮNG TIẾNG ỒN, nhưng nó là sự hiện diện của TRÁI TIM, sự hiện diện của cái TOÀN THỂ của thực tại, sự hiện diện của Thượng đế. IM LẶNG đó không phải là sự im lặng của cái chết, của nghĩa trang; trái lại im lặng đó là rất sống động, rất rung động, đầy niềm vui, trút phúc lạc ra khắp xung quanh, tràn ngập với tình yêu thương của con người.
Cõi im lặng của thơ LÊ VĂN TRUNG, không phải là cõi im lặng thứ nhất, mà nó chính là cõi im lặng của loại thứ hai nói trên. IM LẶNG có điệu vũ trong nó, im lặng giống như một bài ca nhiều hơn im lặng của nghĩa địa. Im lặng có giai điệu, im lặng có âm nhạc của bầu trời trong nó. Im lặng của THI CA, im lặng mà nói bằng ngôn ngữ của thi ca, không phải là những ngôn từ thông thường của lời nói, nhưng nó lại nói lên tất cả cùng một điều nào đó. Im lặng mà lại có tính sáng tạo rất lớn đối với thơ ca nói riêng và cuộc sống của con người nói chung.
Chẳng hạn, xin mời các bạn hãy đọc bài thơ ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI – Bài thơ thứ 12, trong tập thơ DẠ KHÚC.
ẢO ẢNH CUỘC ĐỜI
(Thơ cho cõi im lặng)
Tôi sẽ vẽ vào trái tim trời đất
Một màu mây vàng thắm buổi yêu người
Tôi sẽ nạm từng dòng sương lệ ngát
Vào mắt tình xanh biếc tuổi hai mươi.
Tôi sẽ khắc vào rêu mềm trên đá
Tên loài hoa Vĩnh Cửu toả hương trầm
Và em sẽ cài hoa lên ngực ấm
Như màu trăng rằm suốt cõi trăm năm.
Tôi sẽ trải trên đường về Tuyệt Đích
Thơ hồng như màu máu trái tim hồng
Thơ tôi chảy thành trăm dòng diễm tuyệt
Nương theo chiều mây thắm một dòng sông.
Tôi sẽ dệt vào áo tình nhung lụa
Từng sợi tơ vàng thắm tuổi xuân thì
Xin mặc lấy linh hồn tôi trắng xoá
Linh hồn tôi vời vợi giọt sương phai.
(HẾT)
(Thơ cho cõi im lặng)
Tôi sẽ vẽ vào trái tim trời đất
Một màu mây vàng thắm buổi yêu người
Tôi sẽ nạm từng dòng sương lệ ngát
Vào mắt tình xanh biếc tuổi hai mươi.
Tôi sẽ khắc vào rêu mềm trên đá
Tên loài hoa Vĩnh Cửu toả hương trầm
Và em sẽ cài hoa lên ngực ấm
Như màu trăng rằm suốt cõi trăm năm.
Tôi sẽ trải trên đường về Tuyệt Đích
Thơ hồng như màu máu trái tim hồng
Thơ tôi chảy thành trăm dòng diễm tuyệt
Nương theo chiều mây thắm một dòng sông.
Tôi sẽ dệt vào áo tình nhung lụa
Từng sợi tơ vàng thắm tuổi xuân thì
Xin mặc lấy linh hồn tôi trắng xoá
Linh hồn tôi vời vợi giọt sương phai.
(HẾT)
Đọc xong bài thơ này, xin bạn đừng gọi đó là MƠ, đây chính là thực tại. Một thực tại đẹp hơn bất cứ một giấc mơ nào. Một thực tại phiêu diêu hơn, rực rỡ hơn, hân hoan hơn và nhiều âm nhạc, vũ điệu hơn sức tưởng tượng của bạn rất, rất nhiều.
Bài thơ đã mô tả được sự GIAO CẢM một cách rất siêu thực mà cũng rất thân mật của con người với sự tồn tại. Toàn thể sự tồn tại trên thế gian là một sự hợp nhất hữu cơ. Chúng ta, người với người, không chỉ nắm tay nhau mà bạn còn đang nắm tay với cả cây cối, với trời đất, với cỏ cây hoa lá, với đất đá, ...Chúng ta không chỉ cùng hít thở mà cả VŨ TRỤ này đang hít thở cùng với nhau. Cả vũ trụ này là một bản tổng hoà. Chỉ có con người là đã quên mất ngôn ngữ của sự hoà hợp. Chính bài thơ, đã nhắc nhở bạn nhớ lại bản tổng hoà đó, nhớ lại ngôn ngữ của sự hoà hợp đó.
TÔI SẼ VẼ VÀO TRÁI TIM TRỜI ĐẤT
TÔI SẼ NẠM TỪNG DÒNG SƯƠNG LỆ NGÁT
TÔI SẼ KHẮC VÀO RÊU MỀM TRÊN ĐÁ
TÔI SẼ TRẢI TRÊN ĐƯỜNG VỀ TUYỆT ĐÍCH
TÔI SẼ DỆT VÀO ÁO TÌNH NHUNG LỤA
LINH HỒN TÔI VỜI VỢI GIỌT SƯƠNG PHAI…
Tất cả những câu thơ đó đã phản ánh một điều rằng, tác giả của chúng đã có thể TĨNH LẶNG đến một mức độ có thể cảm nhận được linh hồn mình không thể nào tách rời khỏi linh hồn của sự tồn tại. Trong trạng thái tĩnh lặng đó, ông ấy đã cảm thấy mình đang hoà nhập cùng với trời đất đến mức có thể sẽ vẽ vào được trái tim trời đất, nạm từng dòng sương lệ ngát, khắc vào rêu mềm trên đá, dệt vào áo tình nhung lụa, và linh hồn của ông ấy vời vợi giọt sương phai…
Còn lại đa số chúng ta không thể tưởng tượng ra được những điều đó, bởi vì tâm trí của bạn suy nghĩ, bạn sẽ bị tách rời khỏi mọi người, trong lúc bạn đang nghĩ về điều này thì người khác lại nghĩ về điều nọ. Nhưng nếu cả hai người đều tĩnh lặng, bức tường giữa bạn và họ sẽ biến mất.
Hai sự tĩnh lặng không bao giờ là HAI mà phải là MỘT. Sự tồn tại của vũ trụ vốn dĩ đã là một sự tĩnh lặng, sự im lặng là hiện diện của những điều thiêng liêng như, Thượng đế, chân lý, Đạo, hay bất cứ cái tên nào mà bạn thích gọi, sự im lặng có phẩm chất khác toàn bộ với sự im lặng của tâm trí con người. Nó nở hoa, nó nở hoa trong cả nghìn lẻ một đoá hoa. Nó có hương thơm, nó trẻ trung, nó tươi tắn; nó không đờ đẫn và chết. Nó không là sự im lặng của nghĩa địa. Nó là im lặng nơi sự sống đang xảy ra, nhưng xảy ra rất im lặng. Vì vậy, chỉ cần bạn thực sự tĩnh lặng, thực sự im lặng mang phẩm chất, sự hiện diện của cái toàn thể, tràn ngập những giá trị cao quý - như yêu thương, tĩnh lặng, an lạc, hạnh phúc, thành kính…- Sẽ cho bạn cảm nhận về sự NHẤT THỂ. Tất cả chúng ta đều là những hình thức thể hiện khác nhau của một thực tế, những bài hát khác nhau của một ca sĩ, những vũ điệu khác nhau của một vũ công, những bức tranh khác nhau của cùng một hoạ sĩ nào đó.
Còn rất nhiều bài thơ khác nữa trong hai tập thơ nói trên của nhà thơ LVT, đã phản ánh được cái im lặng có âm nhạc của một bầu trời trong nó. Ông ấy có thể đã không ngồi im lặng một chỗ. Bạn có thể ngồi một chỗ, để giữ cho tâm trí của mình im lặng, nhưng tâm trí của bạn vẫn có thể tiếp diễn bên trong, nó thậm chí còn huyên thuyên nhiều hơn bao giờ, vì khi bạn đang nói cho mọi người bạn ném năng lượng ra, bạn liên tục tẩy rửa. Nhưng khi bạn không nói cho bất kỳ ai, thì tâm trí bạn lại liên tục tích luỹ năng lượng, và liên tục chuyển động bên trong một cách ĐIÊN hơn.
Chỉ bằng việc ngồi im lặng một chỗ, không cái gì sẽ xảy ra, kể cả bạn muốn làm một bài thơ cho cõi im lặng cũng không thể làm được, nếu bạn không nhận biết được, không cảm nhận được chân lý của một loại im lặng khác nói trên. Cây cối là im lặng, đất đá là im lặng – Nhưng chúng không biết chân lý đó là gì.
Vậy nên, rất cần có được một loại im lặng khác với sự im lặng giữa LỜI và phần phủ định của LỜI. Loại im lặng nảy sinh từ việc hiểu thật sâu sắc, cái vô tích sự của LỜI & phần phủ định của LỜI – im lặng. Khi ngôn ngữ và im lặng đều bị bỏ đi, nảy sinh một loại im lặng mới toàn bộ, an bình – nhưng sống động, rung động, đập rộn ràng cùng với sự sống, cùng với sự tồn tại của vũ trụ nhân sinh, thì bạn mới có thể sáng tác được những bài thơ tuyệt vời cho cõi im lặng như nhà thơ Lê Văn Trung, yêu quý của chúng ta.
LÊ VĂN CHUNG